Shopee Chạm để tắt
Skip to main content

Thịnh Khai - Chước Chước

6:17 chiều – 14/01/2025

13

Ngày rời khỏi nhà, trong cung sắp xếp đội ngũ đến đón ta, nghi thức rõ ràng. Cung nữ dâng lên trang phục theo tiêu chuẩn của Quý phi, ta ngồi trước gương đồng, ngẩng đầu nhìn chăm chú vào người trong gương.

Áo bào hoa lệ, sang trọng quý phái. Tóc đen như mực, búi tóc cao, có minh châu điểm xuyết ở giữa.

Ta có chút không quen biết bản thân mình.

“Quý phi nương nương đúng là có dáng vẻ của tiên nhân, tuyệt sắc vô song.”

Ma ma chải tóc khen ngợi, giúp ta đội Cửu Long Tứ Phượng Quan* cuối cùng lên đầu.

*Cửu Long Tứ Phượng Quan (九龙四凤冠): Hiểu nôm na là mũ phượng có 9 rồng 4 phượng, lấy ý tưởng từ Cửu Long Cửu Phượng Quan của Minh Hiếu Đoan Hoàng Hậu. Mũ phượng này được khai quật ngày 20 tháng 10 năm 1957 ở địa cung lăng Minh Định tại Bắc Kinh, hiện nay được lưu giữ trong Viện bảo tàng Quốc gia Trung Quốc.

Mũ phượng cao tổng cộng 48,5 cm, phần vành cao 27 cm, đường kính 23,7 cm và nặng 2320 gram. Khung mũ được làm từ tre sơn mài, bề mặt làm từ lụa, phía trước được trang trí với 9 con rồng vàng ngậm ngọc, bên dưới có 8 con phượng hoàng vàng điểm thuý**, phía sau cũng có một con phượng hoàng vàng, tổng cộng là chín rồng chín phượng. Trên mũ phượng nạm tổng cộng 115 viên hồng ngọc tự nhiên chưa qua chế tác và 4414 viên ngọc trai. Lông chim của phượng hoàng trên mũ phượng có độ bóng đẹp, màu sắc rực rỡ, khi kết hợp với viền vàng tạo nên vẻ lộng lẫy tráng lệ và không bao giờ phai màu. Kỹ thuật điểm thuý trên mũ phượng rất phức tạp, không chỉ vì diện tích điểm thuý lớn (bao gồm phượng hoàng xanh, mây xanh, lá xanh, hoa xanh) mà còn vì hình dáng phức tạp. Đặc biệt là những con phượng hoàng xanh đều được thể hiện trong tư thế đang bay, đuôi xòe rộng, lông vũ tỏa ra, tạo cảm giác sinh động. Vương miện này đã được đưa vào “Danh mục đợt đầu các văn vật triển lãm cấm xuất cảnh của Trung Quốc”.

**Điểm thuý (点翠) là một kỹ thuật thủ công truyền thống độc đáo của Trung Quốc, trong đó người thợ thủ công dùng lông chim bói cá (翠鸟) để trang trí đồ trang sức. Kỹ thuật này thường được sử dụng trong các món đồ trang sức của hoàng gia và quý tộc thời xưa ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các vương miện, trâm cài, và trang sức nữ cao cấp nói chung.​​​​​​​​​​

Ta nhíu mày, nhưng bà lại đè tay ta xuống, ý bảo ta yên tâm, chỉ nói là do hoàng thượng sắp xếp.

Trước cổng phủ, Thịnh Trung Diêm và mọi người đã chờ ở đó từ lâu. Khoảnh khắc ta chậm rãi bước ra, vẻ mặt của ông ta hết sức phức tạp, mẹ con Thẩm thị lại khó nén ánh mắt vừa ghen tị vừa hâm mộ.

“Cung tiễn Quý phi!”

Ta nhẹ nhàng gật đầu, chậm rã bước về phía cỗ kiệu trlng cung.

Cung nhân thay ta vén rèm lên, cơ thể hơi cúi xuống của ta chợt cứng đờ.

Bên trong có người.

Người nọ mặc một bộ áo gấm màu vàng, yên tĩnh chờ đợi, mỉm cười nhìn về phía ta, ánh mắt vừa dịu dàng vừa thâm thuý.

Y giơ tay ra đỡ ta.

Ta dừng lại một chút, nhoẻn miệng cười, sau đó lập tức nắm tay y, thản nhiên bước vào trong, ngồi kế bên y.

“Vất vả cho hoàng thượng, đích thân đến đây một chuyến.”

Y lắc đầu.

“Không vất vả.”

“Ta nhớ rằng hai năm trước, ta đã nói tên huý của mình cho nàng. Lúc không có ai ở đây, nàng cứ gọi ta là Tiêu Dịch là được.”

Y nhẹ nhàng vuốt ve ngón tay ta.

“A Phúc, vào cung có khiến nàng khó xử hay không?”

Suy nghĩ của ta bay tán loạn.

Hai năm trước, Tiêu Dịch hẳn vẫn là thái tử, đang làm việc ở Thanh Châu.

Đúng lúc đó, tiên đế bệnh tình nguy kịch, triệu y về kinh khẩn cấp. Nhưng nhóm người bọn họ bị tập kích ở Tam Hiệp Quan.

Nơi này hiểm trở, dễ thủ khó công.

Lúc bị người vây quanh gần như kiệt sức, ta đi ngang qua đây, giúp bọn họ bắn chết những người kia, tìm ra một con đường sống.

Ta quen thuộc địa hình ở Tam Hiệp Quan, kể từ khi học cưỡi ngựa bắn cung đến nay, ta thường xuyên chạy ngược chạy xuôi ở đây.

Ngày hôm ấy, sau khi chừa lại người phòng thủ, ta dẫn y và hai thị vệ khác, một đường xuyên qua rừng rậm ở Tam Hiệp Quan. Trước khi trời tối, ta kịp thời đưa bọn họ ra khỏi quan.

Lúc ấy, ta vẫn mặc nam trang, y không hề phát giác.

Y nói mình tên Tiêu Dịch, ngày sau nếu ta gặp nạn, cứ việc đến kinh thành tìm y.

Trước khi đi, y hỏi tên của ta. Ta suy tư một lúc, chỉ để lại một cái tên “A Phúc” rồi vội vàng giục ngựa chạy đi. Ta còn muốn đi tìm Cố Tòng Cẩn.

……

Trong xe, y lẳng lặng nhìn ta.

“A Phúc, buổi đi săn hôm ấy, nàng mặc kỵ trang, hiên ngang đứng giữa sân. Chỉ liếc qua một cái, ta đã nhận ra nàng.”

“Chuyện năm đó tương đối vội vàng, ta chưa kịp nói lời cảm ơn nàng.”

“Nàng có thể vào cung, thật sự ta rất vui mừng.”

Ta rũ mắt mỉm cười. Sao ta có thể không biết được cơ chứ…

Lúc cứu y, ta không hề suy nghĩ nhiều. Nhưng y nói mình tên Tiêu Dịch, mà họ Tiêu lại là họ của hoàng thân quốc thích, dân bản xứ ở Thanh Châu có lẽ sẽ không biết, nhưng ta lại hiểu ngay.

Ta đến kinh thành, vốn cũng có ý nương nhờ sự che chở của y, nhưng trời xui đất khiến, cuối cùng lại bước vào hậu cung của y.

Nhìn ánh mắt tràn ngập chờ mong của y, lòng ta mềm nhũn, bèn đáp lại y bằng một cái nắm tay.

“Ta cũng rất vui.”

Vui vì tất cả mọi chuyện diễn ra dường như dễ dàng hơn cả trong kế hoạch của ta.

14

Tiêu Dịch là một hoàng đế tốt, ngày nào cũng rất bận rộn.

Tình hình của bộ đội biên phòng, thuỷ lợi dân sinh, kỳ thi khảo sát của Lại Bộ. Mỗi một vấn đề, y đều tự tay dàn xếp, suy nghĩ cặn kẽ rồi mới đưa ra quyết định.

Khi ta vừa vào cung, Trương công công nói y hiếm khi đến hậu cung, thường xuyên phê duyệt tấu chương đến đêm muộn, sau đó trực tiếp ngủ lại căn phòng liền kề với điện Kim Loan.

Nhưng kể từ sau khi ta vào cung đến nay, ngày nào y cũng đến ăn tối cùng ta. Thậm chí, có hôm, y còn sai người đem tấu chương đến cung điện của ta.

Buổi tối, y phê duyệt tấu chương, ta đọc du ký, thi thoảng, y sẽ hỏi ta một vài ý tưởng về các vấn đề dân sinh.

Nếu có thể trả lời, ta đều đáp lại, nhưng nếu là vấn đề liên quan đến việc triều chính, ta sẽ lắc đầu không nói gì.

Mấy ngày đầu, ta còn hơi khách sáo, nhưng dường như y lại không để ý chút nào. Trước mặt ta, y không tự xưng là “trẫm”, ở chung với ta không khác gì cách những đôi vợ chồng bình thường chung sống bên nhau.

Nhưng ta biết, cuộc sống sẽ không mãi yên bình như vậy.

Hôm nay, y cầm một quyển tấu chương lên lật xem một lúc lâu, sau đó, tầm mắt dừng lại trên người ta.

“A Phúc, nàng ở Thanh Châu nhiều năm, có từng quen biết người nào tên Cố Tòng Cẩn hay không?”

Ánh nến lập loè, ta nhẹ nhàng thổi tắt nến.

Ngẩng đầu nhìn về phía y, giọng điệu bình thản.

“Tiêu Dịch, không giấu gì chàng, ta và Cố Tòng Cẩn quen biết nhau 10 năm.”

Y sửng sốt, như hiểu ra điều gì, một lúc lâu sau vẫn im lặng không nói lời nào, khiến người ta không nhìn rõ cảm xúc của y.

Ta khẽ thở dài, bước đến bên cạnh y, lấy đồ mài mực, nhẹ nhàng mài.

“Hắn từng có ân với ta. Nếu không có hắn, ta đã trở thành một nắm đất vàng tại nơi nào đó ở Thanh Châu từ lâu rồi.”

“Nếu không, hai năm trước, ta cũng sẽ không gặp được chàng.”

“Ta và hắn không giống như chàng nghĩ đâu. Hiện giờ, hắn đã là rể quý của phụ thân ta.”

Biểu cảm trên mặt y thoáng thả lỏng, đặt bút xuống. Bàn tay y ôm lấy eo ta, đặt ta ngồi trên người y.

Y vùi mặt vào cổ ta, nhẹ giọng nỉ non.

“A Phúc, ta tin nàng.”

Chòm râu rậm rạp đâm lên da ta, khiến ta bị kích thích, hơi run rẩy.

Trong lòng ta có chút cảm xúc khác thường. Hình như y thật sự đã phải lòng ta.

Y dùng tay ôm lấy ta, một tay khác bày tấu chương ra trước mặt ta, là tấu chương của Thịnh Trung Diêm.

Ông ta tiến cử Cố Tòng Cẩn lên chức Đại Lý Tự Khanh.

Y hỏi ta cảm thấy thế nào.

Ta biết, y đang thử tình cảm mà ta dành cho Thịnh thừa tướng.

Dù sao ta và Thịnh Trung Diêm cũng là cha con ruột thịt.

Có lẽ đã đến lúc rồi.

Ta nhẹ nhàng gỡ bàn tay đang ôm lấy ta của y ra, đứng dậy phủi váy, quỳ gối xuống đất.

“Hoàng thượng, thần thiếp cũng có chuyện muốn tâu.”

Y thấy dáng vẻ nghiêm túc của ta, có ý muốn đỡ ta đứng dậy, nhưng ta lại không hề nhúc nhích, chỉ thẳng lưng nhìn y.

“Hoàng thượng, thần thiếp muốn tố cáo tể tướng đương triều, Thịnh Trung Diêm, tham ô hối lộ, giết người vô tội, vu oan hãm hại, âm mưu hại chết quan viên Thanh Châu.”

Biểu cảm của y chợt thay đổi, cau mày, ánh mắt biến đổi thất thường. Y suy nghĩ một lúc lâu rồi mới yên lặng nhìn ta.

“Nàng có chứng cứ hay không?”

“Có.”