Skip to main content

Hồng Hạnh Bên Tường

12:23 chiều – 01/03/2025

1.

Nhà ta vốn là phú thương giàu nhất ở Lận Đô. Ta là nữ nhi độc nhất của cha, lại mất mẹ từ nhỏ nên được cưng chiều mà lớn lên.

Sợ ta cảm thấy trống trải, cha đã tập cho ta niềm vui thích việc tiêu bạc từ khi còn bé.

Cha thường nói: “Có sở thích, con người mới tiến bộ, mà cũng thấy vui hơn.”
Quả thật, mỗi lần tiêu bạc, ta đều vô cùng mãn nguyện.

Rồi trong một lần cùng Khúc nương cưỡi ngựa dạo xuân ngoài thành, ta tình cờ gặp một đạo sĩ lạnh lùng vừa đến Sơn Thanh quán.

Hắn khoác đạo bào xanh, phong thái như ngọc, từng cử chỉ đều thanh tao nhã nhặn, đôi mắt lạnh nhạt xa cách. Bên cạnh hắn còn có một tiểu đạo đồng áo vải thô.

Ta tò mò hỏi một tiểu đạo sĩ khác đang quét sân gần đó:
“Hắn là ai vậy? Đồ đệ mới của quán chủ à?”

Tiểu đạo sĩ lắc đầu:
“Không rõ. Nghe đâu là một công tử nhà quyền quý, bị gia đình đuổi ra ngoài.”

Ta nghe thế, không nhịn được, ngước mắt nhìn về phía hắn. Giữa dòng người hành hương đông đúc, đạo sĩ khẽ quay đầu, ánh mắt chạm đến ta, đôi mày đang lạnh nhạt bỗng dãn ra, đuôi mắt thoáng cong.

Ta quả quyết bảo:
“Hắn đang quyến rũ ta.”

Khúc nương kinh ngạc:
“Hả?”

Ta nối lời:
“Hắn chẳng cười với ai, chỉ cười với ta. Nếu không phải quyến rũ thì là gì? Rõ ràng muốn thu hút sự chú ý của ta, đúng là nam nhân tâm tư khó lường.”

Ta đập bàn, kết luận dứt khoát:
“Chắc chắn là thế!”

Khúc nương: “…”

Bên kia, tiểu đạo đồng vừa nói điều gì đó, đạo sĩ lập tức thu lại ánh nhìn, cụp mi gật đầu, rồi cùng tiểu đạo đồng đi vào phòng trong của hậu điện.

Thấy ta vẫn dõi theo hắn, tiểu đạo sĩ đang quét sân liền nhắc:
“Đó là phòng của các đạo sĩ, khách hành hương không được vào.”

Ta quay đầu, cười dịu dàng:
“Tiểu đạo sĩ, ngươi căng thẳng gì chứ? Ta có định xông vào đâu.”

Tiểu đạo sĩ đưa mắt nhìn ta đầy ngờ vực.

“Người trước cũng nói y như vậy, rốt cuộc vẫn bị tống vào ngục.” Hắn lầm bầm khẽ.

Chẳng trách hắn lo nghĩ nhiều. Từ khi đạo sĩ kia đến, danh tiếng lan xa, bao người mến mộ ùn ùn kéo đến không dứt.

Còn chưa đợi đến mùng một hay ngày rằm, hương khói ở Sơn Thanh quán đã nườm nượp kẻ tới người lui. Mỗi ngày, hắn phải dậy sớm trước giờ Thìn để quét sân, đôi lúc còn phải ngăn cản những vị khách hành hương quá khích.

Khách nữ đã đành, thậm chí có cả một khách nam hùng hổ xông vào, cuối cùng không thành, bị quan phủ tống giam, nhưng lại khiến tiểu đạo sĩ trật lưng, phải nằm liệt nửa tháng trời.

Ta nghe xong, cười càng tươi:

“Ngươi giúp mời quán chủ tới gặp ta. Bảo rằng Ôn Thư, tiểu nữ nhà họ Ôn, thành tâm cầu phúc, nguyện ý quyên mười vạn lượng bạc làm tiền hương khói.”

Tiểu đạo đồng sững người, ngẩng đầu:
“Bao nhiêu cơ?”

Hắn nghiêm túc nói:
“Ôn cô nương, không biết cô có thiếu bảo tiêu không? Ta thực ra cũng kiêm nhiều nghề phụ…”

 

2.

Nhờ khoản quyên tặng hương khói đó, ta được quán chủ đích thân mời vào phòng trong của hậu điện.

Phòng tĩnh lặng, sáng sủa. Sau tấm bình phong gấm là một chiếc trường kỷ gỗ trầm, có thể dùng để nghỉ trưa hay tọa thiền.

“Đây là Quán Ấp tiểu hữu.” Quán chủ mỉm cười giới thiệu, “Quán Ấp, đây là Ôn cô nương.”

“Nếu Ôn cô nương có điều gì phiền muộn hay khúc mắc, có thể tâm sự cùng Quán Ấp một chút. Bần đạo còn việc, xin được cáo lui.”

Nói xong, ông khẽ liếc về phía Quán Ấp như ra dấu, rồi vuốt chòm râu lưa thưa bên mép, xoay người bước ra ngoài.

Tấm rèm trúc xanh buông xuống. Nắng xuyên qua bóng hoa hải đường ngoài hiên, rải xuống nền mấy vệt loang lổ. Ta tự nhiên ngồi xuống đối diện hắn, cười hỏi:
“Đạo sĩ có thể giải quyết mọi chuyện trên đời sao?”

Quán Ấp đang chậm rãi vuốt ống tay áo rộng, tay còn lại nhẹ nhàng nghiêng bình trà rót nước. Nghe hỏi, hắn ngước mắt nhìn ta, khóe môi như vương ý cười:
“Cô nương có khúc mắc gì chăng?”

Ta chớp mắt, mỉm cười hồn nhiên:
“Tục danh của đạo sĩ cũng là Quán Ấp à?”

Quán Ấp khựng lại đôi chút, rồi mỉm cười:
“Quán Ấp là tên chữ của ta.

“Ta họ Chu, tên chỉ một chữ Ứng, pháp danh là Minh Vô.”

Hắn ngước nhìn ta, dường như đợi chờ điều gì đó.

Ta lại không để ý, chống cằm trêu chọc:
“Tên nghe quen thật.

“Biết đâu ta từng gặp đạo sĩ ở đâu đó rồi.”

Quán Ấp thoáng ngẩn ra, sau đó cúi đầu, khóe môi điểm chút ý cười.

“Ta nghe tiểu đạo đồng nói, đạo sĩ đến để tĩnh tu?” Ta hỏi.

Quán Ấp gật đầu.

Ta liếc qua ánh nắng ngoài sân, chống tay lên bàn đứng dậy, cười rạng rỡ:
“Vậy hẹn đạo sĩ ngày tái ngộ.”

Trước lúc bước ra, ta cố ý tháo viên ngọc bội bên thắt lưng, giấu vào tay áo. Đợi đi được vài bước, ta khẽ buông tay để miếng ngọc rơi xuống bụi cỏ, không phát ra tiếng động nào.

Tự thấy mình diễn trò khá khéo, ta không kìm được, nheo mắt cười tinh nghịch. Thoáng thấy Khúc nương ở xa, ta vén váy chạy vội về phía nàng.

“Khúc nương!”

Hoàn toàn không để ý rằng Quán Ấp đã sớm đứng lên, nép sau rèm trúc, dõi theo từng cử chỉ của ta. Đợi khi bóng dáng ta khuất hẳn, hắn mới bước đến, cúi người nhặt viên ngọc bội trong bụi cỏ.

Viên bích ngọc lấp lánh đường vân như nước, chính là tín vật hôn ước giữa hai nhà từ nhiều năm trước.

“Ồ? Ôn cô nương đâu rồi?”

Quán chủ từ ngoài cửa thong thả đi vào, chỉ thấy Quán Ấp một mình.

“Nàng về rồi.” Quán Ấp nói.

Quán chủ nhìn dáng vẻ dịu dàng, đầy ý cười của hắn, ngạc nhiên hỏi:
“Chẳng lẽ nàng nhận ra ngươi rồi sao?”

Quán Ấp mân mê đường vân trên ngọc bội, giọng điệu nhẹ nhàng:
“Hình như A Thư rất thích diễn kịch.”

Hắn nghiêng đầu, khẽ nói:
“Quán chủ làm ơn sai người xuống núi, tìm hiểu xem ngày thường A Thư thích loại thoại bản gì, mua hết về cho ta.”

Hắn quay sang gọi:
“Triều Sinh.”

Tiểu đạo đồng đang nấp gần cửa vui vẻ bước ra, trao cho quán chủ một tấm ngân phiếu mỏng.

Mắt quán chủ sáng lên, không chút khách sáo, chụp lấy rồi nhét ngay vào tay áo.

“Khách khí quá, Quán Ấp tiểu hữu! Bần đạo vẫn luôn mong những người hữu duyên sẽ thành đôi.

“Chúc ngươi và Ôn cô nương bách niên giai lão, mãi mãi đồng tâm!”

Ông chính là quán chủ Sơn Thanh quán, sớm đã có tiếng nhờ tài coi quẻ, nên nhiều khách hành hương đến đây chỉ để được ông nói một lời.

“Đa tạ quán chủ.”

Quán Ấp khẽ cười, vươn tay vào trong ống tay áo tháo một chiếc vòng vàng óng ánh.

Quán chủ: “…”
Hai người nhất định phải thành đôi!!!! (gào thét) (hết hơi) (ho khan)

 

3.

Ta cùng Khúc nương dạo chơi thêm một hồi ngoài thành, đến lúc quay về thì trời đã ngả hoàng hôn.

Cha đang ngồi ở chính sảnh xem sổ sách. Vừa thấy ta, ông liền đứng dậy, khuôn mặt rạng rỡ:
“A Thư bảo bối về rồi, con có mệt không? Chơi vui không? Có cần dọn cơm ngay không?”

Ta cười nhẹ, lắc đầu:
“Không mệt, chơi rất vui ạ.

“Cha ơi, tối nay nhà mình ăn gì thế?”

Cha bảo:
“Ta đã dặn nhà bếp nấu món viên Cẩm Châu, bánh nướng giòn, chân giò sốt đỏ và canh cá.”

Bốn món ấy đều là món ta thích.

“Vậy mình ăn ngay đi cha, con đói lắm rồi.” Ta thân mật khoác tay ông, liếc đống sổ sách chồng cao, biết cha còn bận nhưng vẫn chờ ta về mới ăn.

Trong bữa cơm, cha gắp thức ăn cho ta, cười hiền:
“A Thư bảo bối, viên ngọc bội đeo ở thắt lưng con đâu?”

Ta giả vờ như vô tình sờ một cái, đáp thản nhiên:
“Chắc con làm rơi ở Sơn Thanh quán mất rồi.

“Mai con sẽ đến tìm.”

Cha dường như muốn nói gì nhưng lại thôi. Ta đang cắn miếng chân giò, nghiêng đầu hỏi:
“Cha sao thế?”

Chiếc ngọc bội ấy từ nhỏ ta đã lấy ra khỏi hộp trang sức. Vì vân ngọc sáng tựa sóng nước, nhìn dưới nắng lấp lánh rất đẹp nên ta cực kỳ ưa thích.

Đa phần châu báu, trang sức của ta đều do cha chuẩn bị, nhưng riêng viên ngọc này, ta vừa thấy đã thích, nên luôn giữ bên mình.

Cha khẽ lắc đầu, gắp thêm chân giò cho ta, cười đôn hậu:
“Không có gì to tát, tìm không được thì thôi.

“Ta nghe nói hôm nay con quyên mười vạn lượng bạc cho Sơn Thanh quán? Bạc của con còn đủ không?”

Ta cười tươi gật đầu. Cha vẫn thường nói, ở tuổi ông chẳng còn ước mong gì. Nhà họ Ôn đã của cải dư dả, việc ông vất vả bấy lâu cũng chỉ để lo cho ta tương lai.

Ông không ép ta phải gả vào nhà danh giá, cũng chẳng bắt ta nhất định phải thành thân. Nếu không muốn, ta có thể ở nhà cả đời cùng kho báu. Nếu có người ta ưng ý, muốn đón rể cũng không vấn đề.

Hôm sau, lấy cớ quay lại tìm ngọc bội, ta dẫn theo một thị nữ, rời khỏi phủ.

Hôm nay Sơn Thanh quán khá yên tĩnh, cổng chính khép hờ, tiểu đạo đồng quét sân vẫn là người hôm qua.

“Ôn cô nương.” Tiểu đạo đồng lên tiếng, “Hôm nay đâu phải ngày rằm, sao cô lại tới?”

Ta tỏ vẻ bình thản:
“Ta đánh rơi ngọc bội, đến tìm lại.

“Ngươi có thấy nó không?”

Tiểu đạo đồng ngơ ngác, lắc đầu.

Ta hừ nhẹ:
“Ngươi không thấy, ắt có người khác thấy.”

Tiểu đạo đồng vội quả quyết:
“Không thể đâu! Nếu ai nhặt được, chắc chắn sẽ giao cho nơi giữ đồ thất lạc!”

“A dà!” Ta giậm chân, phàn nàn:
“Đúng là gà nói với vịt!

“Ta tự đi tìm!”

Vừa nói, ta vừa bước lướt qua tiểu đạo đồng, đi thẳng về hậu điện.

Tiểu đạo đồng “A” lên một tiếng, toan chạy theo, liền bị quán chủ từ phía sau giữ chổi chắn đường, tóm lấy cổ áo cản lại.

“Quán chủ?”

Quán chủ nhận chiếc chổi từ tay tiểu đạo đồng, hạ giọng:
“Suỵt.”

Tiểu đạo đồng bối rối:
“Nhưng sau đó là chỗ của đạo sĩ Minh Vô, ngài không thích ai vào sân. Nhỡ Ôn cô nương khóc lóc thì biết làm sao?”

Quán chủ ngẩng đầu nhìn về phía hậu điện, suy tính xem có nên dát vàng lại tượng thần trong quán, hay thay mới lư hương không.

Ông thong thả vuốt chòm râu, bắt đầu quét sân. Ánh mặt trời xuyên qua tán lá, rải xuống những mảng sáng tối lẫn lộn, nhưng cũng không lóa mắt bằng chiếc vòng vàng rực rỡ trên tay ông.

Tiểu đạo đồng: “?”