Skip to main content

6

Tôi quay lại, đau nhói.

Một cô gái nhỏ nhắn, da hơi ngăm, tóc buộc hai bím, đứng chắn trước mặt Hứa Văn Kính.

Như một con gà mẹ bảo vệ con, cô ta hung hăng trừng mắt nhìn tôi.

Không cần nghĩ cũng biết cô ta là ai.

Thanh mai trúc mã của Hứa Văn Kính, nữ chính “diện mạo thanh tú” trong nguyên tác… Thẩm Mộ Đình.

“Giang Phán, đừng quá đáng!”

Tôi còn chưa kịp mở miệng, Thẩm Mộ Đình đã chỉ vào mặt tôi, lớn tiếng như một người hùng chính nghĩa:

“Anh A Kính là người có lòng tự trọng, sẽ không vì mấy đồng tiền thối của cô mà phải nhún nhường! Cô dùng tiền mua chuộc trái tim người khác, đúng là vừa trẻ con vừa nực cười!”

Tôi nhìn cô ta, mặt không cảm xúc.

Có lẽ ánh mắt của tôi quá áp đảo, Hứa Văn Kính cau mày, giọng lạnh nhạt:

“Cô nhìn cái gì thế? Chẳng lẽ lời của Đình Đình sai sao?”

Nghe được câu này, Thẩm Mộ Đình lập tức lấy lại tự tin:

“Tuy anh A Kính không muốn nhận tiền của cô, nhưng vì bác gái, tôi có thể giúp cô khuyên nhủ họ. Nhưng Giang Phán, đừng nghĩ làm vậy thì cô sẽ chiếm được trái tim của anh A Kính.”

Tôi “ồ” một tiếng, bình tĩnh đáp: “Tôi thực sự muốn lấy đôi giày size 37 của mình đập vào cái mặt size 42 của cô.”

Nghe những lời này mà xem!

Trong quyển sách này có ai bình thường không vậy?

Hứa Văn Kính nhíu mày đầy chán ghét: “Gì đây, chẳng lẽ cô còn muốn tôi phải biết ơn cô?”

Tôi đảo mắt, dứt khoát rút điện thoại ra, bấm 110:

“Mấy lời các người vừa nói, giữ lại mà trình bày với cảnh sát đi.”

Không lẽ cảnh sát cũng bị mấy cái tình tiết ngớ ngẩn này làm cho mờ mắt?

 

 

Thẩm Mộ Đình trợn to mắt, không dám tin: “Cô báo cảnh sát?”

“Sao không? Cô thích anh A Kính đến thế, báo cảnh sát xong chắc anh ta sẽ ghét tôi cả đời mất.”

Dứt lời, tôi không chút do dự bấm nút gọi.

Sợ rằng mình chậm một giây, Hứa Văn Kính sẽ yêu tôi mất.

7

Trong 20 phút chờ cảnh sát đến, Thẩm Mộ Đình đổi đủ kiểu cách để thuyết phục tôi:

“Giang Phán, tôi biết cô vì anh A Kính từ chối mà mang thù trong lòng. Thế này đi, cô đưa tiền cho tôi, tôi giúp cô khuyên anh ấy. Cô hủy cuộc gọi báo cảnh sát, chúng ta coi như không ai nợ ai.”

“Tôi chỉ vì bảo vệ anh A Kính mới ra tay, sao cô không tự nhìn lại lỗi của mình, cứ ép chúng tôi đến bước đường cùng thế?”

“Nếu cảnh sát tới, đời này anh A Kính coi như tiêu rồi, cô nỡ lòng sao?”

“Giang Phán, đây mà gọi là thích à? Đúng là không đáng một xu!”

Tôi khoanh tay, dựa vào tường giữ khoảng cách an toàn, nghe cô ta nói mà đảo mắt đến tận trời:

“Không nợ nhau là thế nào? Xài tiền của tôi, còn ra tay đánh tôi, lợi lộc và lời hay đều để các người hưởng hết à?”

“Anh ta cao 1m8, tôi chỉ 1m65, rốt cuộc ai cần được bảo vệ hơn?”

“Còn nữa, làm hỏng đời các người không phải tôi, mà chính các người.”

“Hôm nay chặn đường tôi là cô, kêu ca lải nhải như oán phụ cũng là cô. Tôi sai chỉ vì hôm nay không xem lịch, nên mới gặp đôi cực phẩm các người!”

Sắc mặt cả hai người càng lúc càng khó coi.

Ánh mắt đen ngòm của Hứa Văn Kính dán chặt vào tôi.

Đến khi cảnh sát tới, cả hai vẫn còn mang vẻ mặt như muốn nói: “Giang Phán điên rồi, thật sự báo cảnh sát?”

Cảnh sát kiểm tra camera, trong khi tôi nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại câu:

“Có hai con ch.ó điên vô duyên vô cớ lao ra tấn công tôi.”

Cuối cùng, hòa giải thất bại.

 

Bọn họ phải chịu trách nhiệm chi trả viện phí của tôi và tới đồn cảnh sát nghe giáo huấn.

Trước khi đi, Hứa Văn Kính trừng mắt nhìn tôi đầy căm phẫn, như muốn nói:

“Đời này tôi không bao giờ thích cô.”

Tôi nhún vai, không chút bận tâm:

“Ai thèm chứ?”

8

Tôi đến bệnh viện thăm chú Trần.

Thằng nhóc Trần Tụng cũng có mặt, vừa thấy tôi đã khẽ hừ lạnh.

Hai người lớn đang trò chuyện, tôi kéo Trần Tụng ra khỏi phòng bệnh, câu đầu tiên mở miệng là:

“Ngừng hỗ trợ Hứa Văn Kính đi.”

Gương mặt vốn đầy vẻ khinh thường của Trần Tụng ngay lập tức biến đổi, trừng mắt khó tin:

“Sao vậy, hai người chia tay rồi à?”

Tôi nhìn cậu ấy, nét mặt không chút cảm xúc.

Cậu ấy không biết, tôi với Hứa Văn Kính vốn dĩ chưa bao giờ bên nhau.

Từ lúc mẹ của Hứa Văn Kính xảy ra chuyện, tôi đã âm thầm nhờ Trần Tụng lấy danh nghĩa nhà họ Trần hỗ trợ cậu ấy.

Mỗi tháng 5.000 tệ tiền sinh hoạt phí, còn giúp anh ta xin miễn toàn bộ học phí ở trường.

Ban đầu, Hứa Văn Kính còn lịch sự viết thư cảm ơn gửi cho Trần Tụng.

Dĩ nhiên, những bức thư đó đều do tôi đọc, cũng do tôi hồi đáp.

Có lẽ do những bức thư tôi viết lại quá nồng nhiệt, chất chứa đầy cảm xúc.

Dần dần, tôi và anh ta bắt đầu viết thư trao đổi những câu chuyện đầy ẩn ý.

Nhưng Hứa Văn Kính không hề biết, người viết thư qua lại với anh ta là một chàng trai tên “Trần Tụng”.