Skip to main content

Xuyên Vào Truyện Điền Văn

6:19 chiều – 02/01/2025

4

Nhị tức phụ thấy lão đại và vợ đang bận rộn, liền chuẩn bị đi nấu cơm. Ta lập tức ngăn nàng lại.

Cả gia đình lòng dạ độc ác này ngửi thấy mùi bạc từ việc ta bán xà phòng là lập tức mò đến đòi chia phần. Nếu ta không xử lý họ đàng hoàng và đuổi ra khỏi nhà, sớm muộn gì họ cũng sẽ trở thành mối hoạ cho ta.

Sau khi chuyển hết đồ đạc, lão đại thở hổn hển: “Nương, con xong rồi. Chiêu Đệ, mau rót cho ta một chén nước.”

Quế Hoa liền nói rõ ràng: “Đại bá, cháu đã nói rồi, cháu không phải là Chiêu Đệ. Nãi nãi đã đổi tên cho cháu thành Quế Hoa rồi.”

“Được, được, Quế Hoa, rót cho đại bá chén nước.”

Ta lạnh giọng quát: “Tay ngươi gãy rồi à? Chút việc cỏn con đã muốn cướp mạng ngươi? Muốn uống nước mà cũng đòi đứa trẻ phải phục vụ.”

Lão đại không thể làm gì khác ngoài tự mình rót nước, còn đại tức phụ thì cũng chẳng màng giữ phong thái thành thị nữa, nhào tới giật lấy ấm nước, uống ừng ực.

Ta bắt đầu phân công công việc:

“Lão đại, ngươi chịu trách nhiệm bổ củi. Đại tức phụ, ngươi lo nấu bữa tối hôm nay. Còn nhị tức phụ, dẫn năm đứa trẻ theo ta lên núi cắt cỏ cho lợn và nhặt rau dại.”

Hai phu thê lão đại há hốc miệng, miễn cưỡng đồng ý. So với việc lên núi, họ thà ở nhà còn hơn.Mấy đứa trẻ phụ trách đào khoai lang dại và nhặt dây khoai lang, còn Ngọc Câu thì dựa theo sách mà Liễu Thần Y đưa cho, nhận diện dược thảo. Chẳng bao lâu sau, nàng đã hái được khá nhiều.

Khi về đến nhà, đại tức phụ vẫn còn chậm rãi nấu cơm, gạo còn chưa cho vào nồi.

Đây là cách nàng ta thường lười biếng trong nhà.

Nguyên chủ vốn là một bà bà nóng nảy, không chịu nổi ai làm việc chậm chạp, thấy đại tức phụ thế này, lần nào cũng mắng rồi đuổi nàng ta ra, sau đó lại để nhị tức phụ làm.

Vậy nên, mọi việc trong nhà, đại tức phụ đều trốn thoát, suốt ngày không làm gì mà còn hay nói xấu nhị tức phụ.

Ta bảo nhị tức phụ lấy đồ ăn vặt mua ở chợ hôm nay cho bọn trẻ ăn tạm.

Nhị tức phụ ngập ngừng nói: “Nương, không được, để con đi giúp đại tẩu nhé. Mọi người đã bận rộn cả ngày, giờ còn phải chờ cơm, tẩu ấy cũng chẳng giỏi việc này.”

Ta trừng mắt nhìn nàng: Đúng là đồ ngốc!

Làm ơn đi, chỉ cần ngươi muốn làm, ngươi sẽ không bao giờ thiếu việc để làm, có biết không?!

Mệt chết cũng là đáng đời.

 

“Sao hả? Ngươi sinh ra là đã biết làm hết sao? Nàng ta không phải ngốc, để cho nàng ta từ từ mà học!”

 

Lão đại hôm nay đánh xe về, lại còn dỡ đồ, bổ củi, đói đến hoa cả mắt:

 

“Nương, cho con ít đồ ăn vặt của bọn trẻ đi, con cũng đói lắm.”

 

Ta nhìn chằm chằm hắn: “Ngươi lớn như vậy rồi mà còn giống mèo tham ăn à? Đói thì tìm vợ ngươi, bảo nàng ta nhanh lên, nếu không thì cả nhà sẽ nhịn cùng nàng hôm nay! Ta muốn xem nàng ta nấu đến bao giờ cho xong, cứ lề mề mãi!”

 

Lão đại đói chịu không nổi, chạy vào bếp, thấy cảnh tượng trong đó thì nhảy dựng lên:

 

“Ngươi làm gì mà đến giờ gạo mới được cho vào nồi? Ta bổ củi xong rồi, mà ngươi vẫn thế này?”

 

“Ta đâu có biết nấu.”

 

Dĩ nhiên là nàng không biết. Trong thành thì có nha hoàn hầu hạ tận răng, nàng biết nấu nướng cái gì.

 

“Ngươi mau làm đi, ta sắp chết đói rồi.”

 

Hai người lầm bầm qua lại một lúc, sau đó tốc độ nấu ăn cũng nhanh hơn hẳn.

 

Đến khi lão nhị về thì bữa cơm vừa xong.

 

Biết được phu thê lão đại định ở lại nhà một thời gian, lão nhị vui vẻ nói: “Tốt quá, việc đồng áng còn thiếu người, đại ca, huynh giúp ta một tay nhé.”

 

Lão đại lập tức sa sầm mặt, cả hai đều im lặng không trả lời.

 

Ở thành, bọn họ sống như những tiểu địa chủ, sung sướng vô cùng. Hằng năm không đóng góp đồng nào cho nhà, khi chia lương thực thì luôn giành phần nhiều nhất.

 

Đến khi cần bạc, họ lại đem chút quà cỏn con về, giả vờ than thở, làm nguyên chủ động lòng thương, vui vẻ cho tiền.

 

Thật đáng thương cho ba cô cháu gái trong nhà, lúc nào cũng ăn bữa trước lo bữa sau.

 

Cái bụng thì chưa khi nào được no, còn việc thì không bao giờ hết.

 

Ta hắng giọng: “Nếu các ngươi không muốn xuống đồng làm việc, thì mau quay lại thành đi. Nhà nghèo, không nuôi nổi những kẻ chỉ biết ăn không ngồi rồi đâu.”

 

Lão đại và đại tức phụ liếc nhìn nhau, trong mắt hai người đều là sự tính toán và bất mãn.

 

Lần này họ về là nhất quyết muốn lấy được công thức xà phòng. Chưa đạt được mục đích thì làm sao họ dễ dàng bỏ đi như thế được.

 

“Nương, con cũng là một phần của gia đình này, mấy năm qua chẳng giúp gì được cho nhà. Giờ cửa hàng làm ăn không có lời, phu thê con cũng rảnh, tất nhiên phải về giúp gia đình chứ.”

 

Hai người cúi đầu, nói năng xấu hổ, trước đây những lúc như thế, nguyên chủ thường mềm lòng mà thương lão đại hơn.

 

Tiếc là ta thì không:

 

“Không kiếm được tiền thì làm gì cho phí sức? Không biết buôn bán thì về mà làm ruộng, không có tài cán gì thì đừng mở cửa hàng.”

 

Lão đại cười gượng: “Nương nói đúng, để sau này con xem thế nào đã.”

 

Nói vậy mà vẫn bám ở nhà không đi, ta đã hiểu rõ quyết tâm của bọn chúng rồi.

 

Cũng tốt, ta sẽ lợi dụng lòng tham này mà đuổi cả gia đình chúng ra khỏi đây một lần cho xong!

 

5

 

Sáng sớm hôm sau, ta bảo lão đại gánh phân tưới hết khu vườn, còn đại tức phụ thì đào hố để ta chôn khoai lang.

 

Khoai lang chôn dưới đất sẽ không bị hỏng.

 

Cả hai dường như đã nhận ra sự thay đổi trong thái độ của ta nên làm việc rất tích cực.

 

Không chỉ khai hoang lại hết đất nhà, họ còn cày xới luôn cả ruộng nước mà ta mới mua.

 

Ta trồng khoai lang, thêm một số loại rau củ theo mùa, nhưng chủ yếu vẫn là những thứ có thể bảo quản lâu dài.

 

Ta quan sát thấy trong làng không ai trồng nấm, nhưng trên thị trường, nấm bán rất đắt, nhà nghèo thường chẳng có đủ tiền mua.

 

Sau khi dò hỏi, ta mới biết rằng trước đây trong làng cũng có người trồng nấm, nhưng rồi đều qua đời vì bệnh.

 

Họ đi khám, nhưng không phát hiện ra triệu chứng rõ ràng nào.

 

Những biểu hiện của họ giống như viêm phổi, theo y học hiện đại thì đây là bệnh “phổi nấm”.

 

Vì lý do này, nấm trở thành mặt hàng đắt đỏ, chỉ có quan lại quý tộc mới dám ăn.

 

Ta dành ra vài mảnh đất chuyên để trồng nấm và dùng vải bông thấm cồn, phơi nắng để làm khẩu trang.

 

Bất cứ ai vào xem xét tình trạng nấm đều phải đeo khẩu trang.

 

Qua nửa tháng, lão đại và vợ đã giúp ta không ít, người nào cũng gầy rộc cả đi.

 

Họ không chỉ khai hoang, gánh phân mà còn trồng lúa mì, trồng đậu phộng và nhiều loại cây khác. Ngày nào trời còn chưa sáng đã phải dậy làm.

 

Họ vốn nghĩ rằng làm chăm chỉ hơn một chút, chịu khó hơn một chút thì ta sẽ thương xót mà nhẹ tay.

 

Không ngờ càng thể hiện tốt, việc làm lại càng nhiều hơn. Nhìn tình hình hiện tại, cứ trồng xong lại có việc mới chờ họ làm tiếp.

 

Cuối cùng, lão đại và gia đình đã kiệt sức. Họ cầu xin, kêu khóc, nhưng ta chẳng mảy may quan tâm.

 

Làm được việc thì ở lại, không làm được thì cút đi.

 

Cuối cùng lão đại chịu không nổi nữa, đề nghị phân gia.

 

Hắn nghĩ rằng đề nghị phân gia sẽ khiến ta nhượng bộ, bởi người xưa thường rất kỵ chuyện con cái đòi phân chia tài sản khi cha mẹ còn sống.

 

Không ngờ rằng ta vốn đang muốn ép chúng đề nghị điều này.

 

6“Con không cần gì khác, chỉ cần nương cho con công thức làm xà phòng thôi.”

 

Ta gọi lý trưởng trong làng đến: “Đã nói đến phân gia thì phải công bằng, đâu thể nói muốn gì thì ta phải cho cái đó được.”

 

Lão đại hừ một tiếng: “Công bằng thì công bằng! Nương, nhị tức phụ đã biết công thức rồi, nhà chúng con cũng phải biết.”

 

“Ta có thể đưa công thức làm xà phòng cho các ngươi, nhưng trước hết các ngươi phải trả hết nợ cho ta đã.”

 

Ta lấy sổ ghi chép của nguyên chủ ra cho lý trưởng xem:

 

“Khi cưới vợ cho ngươi, ta đã phải bán mười mẫu ruộng, rồi lại bán thêm bốn mươi mẫu để mở cửa hàng cho ngươi. Trong suốt mười năm qua, mỗi năm ngươi đều lấy của nhà một con heo, mười con gà, một trăm quả trứng, một nghìn hai trăm đấu lương thực, thêm sáu bó tỏi và mấy trái dưa chuột…”

 

“Nương! Ngay cả tỏi mà người cũng ghi vào!”

 

Ta lớn tiếng: “Sao lại không ghi? Tất cả những thứ này đều do nhà lão nhị làm ra. Còn ngươi thì sao, ngươi đã làm gì cho cái nhà này?

 

“Mấy tháng vụ mùa ngươi không về, nhưng đến lúc chia lương thực thì lại quay về. Đệ đệ ngươi bị ngã mấy lần khi gánh lúa và gánh nước, còn mấy đứa nhỏ thì phải dậy từ tờ mờ sáng đi khai hoang trồng rau. Các ngươi đã làm gì cho cái nhà này? Chỉ biết lấy đi!

 

“Đừng tưởng ta không biết. Ở thành phố, các ngươi ăn mặc gấm lụa, có người hầu kẻ hạ, hừ! Đúng là không biết xấu hổ!”

 

Hắn đỏ mặt, nhảy lên bực tức, còn lý trưởng thì tính toán lại số bạc nợ:

 

“Kế Nghiệp, trong mười năm qua, ngươi nợ gia đình tổng cộng một ngàn lượng. Trả đủ số này thì ta mới có thể phân chia tài sản.”

 

“Một ngàn lượng!” Hai phu thê hắn nhảy dựng lên, níu lấy ta mà van xin, “Nương, nhà này chúng ta không phân nữa, không phân nữa.”

 

Ta hất tay họ ra: “Không phân cũng phải phân.

 

“Các ngươi bây giờ chỉ có hai lựa chọn: một là đưa ta một ngàn lượng, ta sẽ giao công thức xà phòng, hai là cút ra khỏi nhà họ Trương, ta sẽ nhờ tộc trưởng tống các ngươi khỏi gia phả!”

 

Bỏ ra một ngàn lượng để mua công thức xà phòng, lão đại chắc chắn không đồng ý. Nhưng việc bị xóa khỏi gia phả càng khiến họ không cam tâm.

 

Hiện tại, tuy nạn đói chưa đến, nhưng người trong trấn đều quen biết lẫn nhau. Nếu họ bị đuổi khỏi gia phả, danh tiếng coi như tiêu tan. Ở một nơi nhỏ bé thế này, danh tiếng xấu thì cửa hàng chẳng mấy mà sập tiệm, chưa kể họ đâu phải là cửa hàng duy nhất.

 

Cuối cùng, dưới sự hòa giải của lý trưởng, ta và lão đại phân gia, lão đại không lấy gì từ gia sản, bù lại phải bồi thường cho ta ba trăm lượng.

 

Sau khi nhận đủ bạc, tiễn biệt đôi ôn thần, ta bảo lão nhị thuê người giúp việc đồng áng.

 

Qua thời gian làm việc ở ruộng, ta phát hiện Lập Nghiệp rất hợp với nghề rèn. Những dụng cụ trong nhà bị hỏng, hắn đều sửa chữa nhanh chóng.

 

Ta tò mò hỏi hắn làm sao mà biết nghề này.

 

Không ngờ rằng thầy dạy trong trường cũng tranh thủ cho học trò làm việc ở ruộng nhà mình.

 

Có vẻ nguyên chủ đã nuông chiều hai đứa này quá mức, rõ ràng là chúng có thể làm được mọi thứ.