1.
Cha ta là một thợ săn.
Người dân sống dựa vào núi, ở dưới chân núi Ngưu Đầu, hơn phân nửa nam nhân đều theo nghề thợ săn.
Cha ta là người xui xẻo nhất. Ông từng cưới vợ và có một cô con gái năm tuổi, cuộc sống trôi qua vô cùng mỹ mãn.
Nào ngờ một ngày kia, vợ ông đột nhiên mang theo con gái bỏ chạy. Ông tìm kiếm họ suốt ba năm ròng, dốc hết cả tiền bạc của cải cũng không có kết quả. Vào một lần vào núi săn bắn lại lượm nhặt được ta từ trong ổ sói.
Kể từ khi ấy, hai cha con chúng ta cứ như vậy nương tựa vào nhau mà sống.
Ông vẫn luôn cằn nhằn: “Nếu không phải mang theo ngươi như gánh nặng, ta đã sớm cưới vợ mới rồi, làm gì phải chịu cảnh ngày qua ngày chăn đơn gối chiếc lạnh lẽo đến nỗi này?”
Từ khi còn bé ta đã hay bệnh tật, ba ngày hai bữa lại đau ốm, mỗi lần như vậy đều phải mời thầy thuốc. Những người sống trong gia cảnh bình thường nào đâu chịu nổi hao tổn đến mức ấy?
Bà nội, thím cùng người trong thôn đều khuyên nhủ cha ta:
“Nuôi không nổi thì tranh thủ còn chút hơi tàn bán quách đi cho rồi.”
Ở thôn quê đều là như vậy.
Trong nhà không có gì ăn, con trai không cưới được vợ, thậm chí là heo con bị bệnh cần tiền chữa trị, đều có thể bán con gái trong nhà để lấy tiền xoay sở.
Cha ta tức giận: “Các người nghĩ người mua ngốc lắm hả, đi mua một con ma ốm về nhà?”
“Ta nuôi nó từ lúc bé bằng nắm tay đến nay đã bảy tuổi, bán đi thì được mấy đồng tiền? Ta phải dùng nó kiếm một khoản sính lễ thật lớn mới được.”
Bởi vì nuôi ta mà cha bị bà nội mắng không biết bao nhiêu lần.
“Nuôi đứa con hoang lượm nhặt về như bảo bối, cháu ruột Thuỷ Sinh cũng không thấy ngươi để tâm đến thế.”
“Đầu óc ngươi có phải bị cửa kẹp rồi không?”
Thím lại càng cay nghiệt:
“Anh cả hơn phân nửa là bị yêu tinh trên núi làm cho mụ mị đầu óc, cho nên mới bỏ tiền nuôi một món hàng lỗ vốn thế này.”
“Dùng số tiền này lo cho Thuỷ Sinh, sau này già đi chẳng lẽ thằng bé không nhớ đến phần công ơn này hay sao? Thuỷ Sinh là cháu trai duy nhất của Thẩm gia đấy.”
Cha ta không thể lúc nào cũng mang ta theo bên mình. Bà nội và thím luôn tìm cách bắt ta làm việc.
Ba tuổi đã bắt ta nhóm lửa, bốn tuổi giặt quần áo, năm tuổi nhổ cỏ ngoài ruộng, sáu tuổi trèo lên nóc nhà thay mái ngói.
Không ít lần va quệt, té ngã.
Cha ta tức đến giậm chân, mắng ta ngu ngốc: “Nếu việc trong nhà còn chưa đủ cho ngươi làm, vậy ngươi giúp ta cày hai mẫu đất lên đi!”
“Bọn họ là trưởng bối, ngươi không thể từ chối cũng đành. Nhưng ngươi làm việc cũng đừng thành thực như thế chứ, quả thực ngu ngốc hết phần thiên hạ!”
Ta đã hiểu ý ông.
Thế nên ta nấu cơm đến cháy đen, nhổ lúa non để lại cỏ dại, mái ngói còn đẹp tốt lập tức liệng xuống đất.
Bà nội và thím tức điên người, biết đã không còn bắt nạt được ta, hơn nữa em họ Hoa nương cũng ngày một lớn, dần dà bọn họ không còn gây phiền phức cho ta nữa.
Con người ta thực sự rất kỳ lạ.
Rõ ràng người ức hiếp Hoa Nương là bà nội và thím, vậy mà nàng lại trút mọi oán giận lên ta.
“Là tại ngươi lười biếng lại còn dùng mánh lới nên mọi việc mới đổ hết lên đầu ta.”
“Không hổ là đứa con hoang nhặt về từ trên núi, lòng dạ thâm sâu, lắm mưu nhiều kế.”
Ta có ý tốt nghĩ cách giúp nàng:
“Ngươi có thể nhờ Thuỷ Sinh ca ca giúp đỡ mà.”
Mấy năm trước có tên giang hồ lừa đảo đi ngang qua thôn, còn nói Thuỷ Sinh ca ca có số mệnh làm Tể tướng.
Hắn còn nói Ngưu Nhị ca sẽ trở thành người giàu số một Giang Châu, Ngũ Nương sẽ gả vào Hoàng gia. Dân làng chỉ cười cho qua nhưng bà nội và thím lại tin là thật.
Bao nhiêu năm nay, họ thắt lưng buộc bụng , tìm mọi cách ép buộc cha ta phải chu cấp để Thuỷ Sinh được đi học.
Hắn đọc sách chẳng được mấy ngày mà thói hư tật xấu của những kẻ đọc sách lại gom đủ không thiếu thứ nào: chê thôn quê nghèo khó, chê mẹ cha chẳng giúp ích được gì.
Còn nói tay của người đọc sách là dùng để viết chữ chứ không phải là để cày bừa nông sâu.
Mỗi lần như thế đều mắng ta và Hoa Nương quê mùa thô thiển.
Hoa Nương trừng mắt:
“Ca ca của ta là nam nhi, huynh ấy phải học hành để tương lai làm Tể tướng. Sao có thể làm những công việc này?”
“Chẳng qua là ngươi ghen tị với huynh ấy chứ gì?”
“Lòng dạ ngươi sao có thể xấu xa như vậy, khó trách đụng một cái là sinh bệnh, đáng đời!”
2.
Cha vừa mắng vừa cõng ta vượt qua ngọn núi cao để tìm đại phu.
“Sao ta lại nuôi cái đồ phiền toái vừa tốn công vừa tốn tiền như ngươi chứ? Ngươi tốt nhất phải sống thật tốt, nếu c h ế t thì ta chẳng được gì cả.
“Cơm thì chẳng ăn nổi hai miếng, thế mà nặng như lợn rừng con!”
Ta đã là khách quen của đại phu, còn cha thì nợ ông ấy không ít bạc.
Đại phu thở dài:
“Nó mang bệnh từ trong bụng mẹ, thể trạng yếu. Chỉ có thể giảm bớt lao động, tẩm bổ, chăm sóc cẩn thận.”
Cha giận đến nhảy dựng:
“Nhà thợ săn nào mà nữ nhi không làm việc? Chẳng lẽ ta phải nuôi nó như tiểu thư khuê các chắc?”
Tiền chẩn bệnh lần này lại phải ghi sổ nợ.
Sau khi châm cứu xong, cha treo chuỗi thuốc lên cổ, cõng ta về nhà.
Đi ngang qua chợ, có người bán kẹo hồ lô.
Ánh mắt ta bất giác dõi theo người bán từ đầu phố đến cuối phố.
Cha liếc nhìn ta:
“Sao? Ngươi muốn ăn à? Ta không có tiền thừa đâu.”
Ta lắc đầu, tựa đầu vào cổ ông:
“Con không ăn, con chỉ nhìn thôi.”
Ta dùng tay áo lau mồ hôi trên trán ông:
“Cha, người thả con xuống đi, con có thể tự đi được.”
Ông hậm hực:
“Không nghe đại phu nói ngươi phải dưỡng bệnh sao? Nếu bệnh nặng thêm thì tiền ta bỏ ra coi như đổ sông đổ bể à?
“Ta tốn bao nhiêu công sức nuôi ngươi, sau này ngươi phải hiếu thuận với ta.
“Khi gả đi, sính lễ ít nhất phải năm lượng bạc. Sau đó, mỗi năm con rể đều phải mua rượu nữ nhi hồng mười năm cho ta.”
Ta vòng tay ôm lấy cổ ông, nhẹ nhàng nói:
“Nhưng cha, con không muốn lấy chồng. Con muốn ngày ngày ở bên người, cả đời không xa cách.
“Con muốn mãi mãi làm nữ nhi của người.”
Ta từng thấy Vân Nương, tỷ tỷ nhà hàng xóm, sau khi lấy chồng, mỗi năm chỉ được về nhà một lần.
Vừa ở nhà hai ngày, nhà chồng đã sai người đến giục, Vân Nương vừa khóc vừa phải ra đi.
Dù cha hay mắng, nhưng ta không phải kẻ không biết phân biệt đúng sai.
Ông đã cố gắng hết sức để đối tốt với ta, ông chính là người tốt với ta nhất trên đời.
Cha nghiêng đầu liếc ta một cái, rồi nhanh chóng bước theo người bán kẹo hồ lô, trả giá và mua một chuỗi xấu nhất.
Ông nhăn mặt:
“Ăn đi, sau này ta ghi nợ.”
Cha không biết chữ, mà nhà thợ săn cũng chẳng dư dả để mua giấy bút.
Nhưng ông có một chiếc hộp gỗ. Mỗi lần vì ta mà tiêu một đồng, ông sẽ bỏ vào hộp một cành cây khô. Giờ chiếc hộp đã sắp đầy.
Ta ăn ba viên kẹo rồi nói đã no, nhất định đòi ông ăn.
“Đồ phá của, ta không thích thứ vừa ngọt vừa chua này.”
Ông cẩn thận bọc lại kẹo, nhét vào trong áo.
Hôm sau, sau khi ta uống xong thuốc đắng, ông lại lấy kẹo ra, ném cho ta:
“Ăn hết đi, tốn tiền rồi, không được lãng phí.”
Dưới chân núi Ngưu Đầu có rất nhiều thợ săn, nhưng săn bắn không hề dễ dàng.
Các gia đình khác nếu săn được thú tốt, thường chẳng nỡ ăn.
Cha thì khác, thỉnh thoảng lại làm một bữa ra trò.
Gà rừng, vịt trời, thỏ, lợn rừng con, ông đều làm thịt được.
Ông thích ăn cổ, chân, nội tạng, còn thịt thì để lại cho ta ăn phần lớn.
Khi ta tám, chín tuổi, thể trạng đã khá hơn, ông bắt đầu dẫn ta vào núi săn bắn.
Người trong làng kinh ngạc:
“Thẩm Ngũ, Ngọc Nương chỉ là con gái, ngươi dẫn nó vào núi làm gì?”
Núi rừng nguy hiểm, mà con gái thì lớn lên cũng phải lấy chồng, bận rộn với bếp núc, ruộng đồng mới là chính đáng.
Cha trừng mắt:
“Các ngươi biết gì. Ai mà biết sau này nó có lấy được chồng hay không, hoặc có bị từ hôn không? Nếu chẳng ai thèm, ít nhất nó còn có nghề để mưu sinh, không thì làm sao nuôi ta khi ta già?”
Ta học rất chăm chỉ, dần dần trở thành trợ thủ đắc lực của cha.
Khi ta lớn hơn, bà nội và thím bắt đầu tính toán chuyện hôn sự của ta.
Trước sau họ đã tìm không ít nhà.
Họ đều đồng ý sính lễ cao, nhưng toàn là những người lớn tuổi, có bệnh, hoặc là đổi con.
Cha đều từ chối hết.
Ông ưỡn cổ nói:
“Ta bỏ bao nhiêu tiền bạc và công sức nuôi nó lớn, không có hai mươi lượng bạc thì đừng nghĩ đến.”
Dân làng mắng ông mơ tưởng viển vông:
“Thẩm Ngũ chắc điên vì tiền rồi.”
“Hai mươi lượng bạc, tưởng con gái hắn là Hằng Nga chắc?”
“Chỉ với nhan sắc và phẩm hạnh của Ngọc Nương, gộp ba đứa bán cho kỹ viện cũng không đáng giá đó!”
Thực ra, từng có một mối khá tốt: độc đinh nhà họ Lưu trong thành, Lưu Văn Bách.
Cha hắn từng làm quan lục phẩm, qua đời khi tại chức và được triều đình truy phong.
Cậu hắn hiện là quan trong châu phủ.
Khoảng hai năm trước, nhà họ Lưu đã trở thành khách hàng lớn của cha.
Mỗi lần săn được con mồi, cha đều mang đến nhà họ Lưu.
Ngoại trừ rắn, còn lại họ đều nhận, trả tiền rất sòng phẳng.
Cha có chút tính toán, không nói với ai trong làng, sợ người khác biết mà cướp mất khách hàng tốt này.
Nửa năm trước, khi ta theo cha đi giao hàng, Lưu phu nhân từng mời cha ta vào nói chuyện.
Ta từ nhỏ tai rất thính, dựa vào tường nghe được lờ mờ, Lưu phu nhân nói:
“Ta muốn cầu hôn Ngọc Nương cho Văn Bách, không biết ý Thẩm Ngũ thế nào?
“Những lời đồn đại bên ngoài không thể tin được. Ta đã mời cao tăng ở chùa Thanh Sơn xem qua, Ngọc Nương sinh ở núi, bát tự rất hợp với Văn Bách.
“Sính lễ chắc chắn sẽ không dưới hai mươi lượng bạc.”
3.
Lưu Văn Bách năm nay hai mươi hai tuổi, trước đây đã từng đính hôn hai lần, nhưng cả hai vị hôn thê đều đột ngột qua đời vì bạo bệnh khoảng mười ngày trước ngày cưới.
Bởi vậy, hắn mang tiếng xấu là “khắc thê”. Nghe nói nhiều năm qua, Lưu phu nhân đã tốn không ít tâm tư, nhưng vẫn chưa tìm được mối hôn sự thích hợp cho hắn.
Hai mươi lượng bạc sính lễ, thực sự là một số tiền lớn.
Bao nhiêu bậc cha mẹ chỉ cần năm, sáu lượng bạc là đã sẵn sàng bán con gái rơi nước mắt của mình vào kỹ viện.
Ta siết chặt tay áo, trong lòng thầm nghĩ: Hai mươi lượng bạc, đủ để cha sống nửa đời còn lại không lo cơm áo.
Ông đã vất vả nuôi ta bao nhiêu năm nay, nếu lần này phải gả ta cho Lưu công tử khắc thê ấy, ta cũng cam lòng.
Đang mải mê suy nghĩ vẩn vơ, một giọng nam trong trẻo, nghiêm nghị vang lên:
“Mẫu thân, con đã nói là không muốn thành thân, người đừng tùy tiện ghép đôi như thế…”
Lưu phu nhân vội vàng biện bạch với hắn vài câu. Lúc này, cha lên tiếng:
“Lưu phu nhân, vẫn là thôi vậy.
“Ngọc Nương lớn lên nơi sơn dã, vừa thô kệch lại không biết chữ, làm sao xứng với công tử Lưu, một người tài mạo song toàn?”
Lưu phu nhân thở dài một tiếng:
“Thôi, cũng là do không có duyên phận.”
Ra khỏi cổng nhà họ Lưu, cha liền sầm mặt mắng ta:
“Giỏi rồi, vì ngươi mà làm phật lòng nhà họ Lưu, sau này ta còn biết đi đâu tìm khách hàng tốt như vậy?”
Ta không dám nói mình đã lén nghe trộm, chỉ giả ngây giả dại:
“Con có vào đâu mà tại con chứ?”
Cha trợn mắt, phồng má:
“Ngươi còn cãi à? Có phải ngứa đòn không?”
Ông giơ tay lên định đánh, thì từ phía sau vang lên giọng nói quen thuộc:
“Thẩm Ngũ thúc, xin chờ một chút.”
Quay đầu lại, ta nhìn thấy một nam tử mặc áo xanh nhã nhặn nhanh chóng bước tới. Hẳn là công tử nhà họ Lưu, Lưu Văn Bách.
Chưa kịp nhìn rõ, cha đã vỗ một cái lên đầu ta:
“Không biết xấu hổ, mau ra góc tường đứng quay mặt vào trong cho ta!”
Lưu Văn Bách rất nhanh đã tới nơi, khẽ cúi người xin lỗi:
“Chuyện hôm nay là do mẫu thân của vãn bối đường đột.
“Thịt rừng của Thẩm Ngũ thúc, vãn bối rất yêu thích, ngàn vạn lần không thể vì chuyện này mà không tới nữa.”
Cha lập tức vui vẻ:
“Tất nhiên, công tử thích thì sau này ta vẫn sẽ mang tới.”
Với gia thế và phẩm cách của Lưu công tử, có lẽ hắn là người tốt nhất mà ta có thể gặp trong đời này.
Chỉ là, sống sót vẫn quan trọng hơn.
Hơn một tháng sau, nghe nói Lưu phu nhân đã sang tỉnh khác để tìm vợ cho công tử.
Xem như ta đã hoàn toàn không còn duyên với nhà cao cửa rộng ấy.
Qua rằm tháng Tám, ta đã tròn mười bảy, trở thành cô gái lớn tuổi nhất trong làng chưa lấy chồng.
Dân làng nhiều chuyện nói rằng đời này ta e là không gả được nữa.
Một ngày kia, trên đường cùng cha đi săn trở về, chúng ta thấy sân nhà vắng lặng bỗng bị một đám đông vây kín.
Giữa sân có đôi vợ chồng già mặc y phục hoa lệ, bà nội và thím thì đang xum xoe, tươi cười hầu hạ họ.
Trong lòng ta dâng lên dự cảm chẳng lành, liền kéo cha định quay lại núi, nhưng ánh mắt sắc như dao của thím đã nhìn thấy ta.
Bà ta giơ tay chỉ về phía ta, lớn giọng nói:
“Viên ngoại Lý, ngài xem, đó chính là cháu gái tôi.
“Ngài nhìn xem vòng eo, vòng hông của nó kìa, nhất định sẽ sinh cho nhà ngài một đứa con trai béo tròn!”