5.
Trong lòng ta không khỏi tò mò, rốt cuộc là vị quý nhân nào mà lại ngang ngược vô lý đến thế.
Rất nhanh, tin tức đã truyền đến.
Hóa ra, người mời ta đi viếng mộ, khóc tang chính là ngoại tôn của Định Quốc Công.
Nghe nói thê tử hắn vừa mới qua đời, hắn vì quá đau lòng mà hóa điên, suốt ngày nói năng lảm nhảm, khăng khăng rằng thê tử mình vẫn còn sống.
Định Quốc Công thương xót ngoại tôn, mời đạo sĩ và hòa thượng đến xem. Nhưng bọn họ lại phán rằng, đây là do duyên cũ chưa dứt, nhất định phải trút hết duyên cũ thì mới có thể hóa giải mê luyến.
Thế là Định Quốc Công phái người đến tìm ta.
Nghe xong câu chuyện, ta không khỏi cảm thán:
“Đúng là một kẻ đáng thương.”
Đồ Tam vừa gặm hạt dưa vừa cười ngờ nghệch:
“Đại đương gia, ngài không hiểu rồi! Những chuyện thế này, đều là kiểu tình tiết chỉ có ở nhà giàu phú quý! Nghe nói cái gì mà Lương Tử Trụ Tử gì đó cũng là thế này!”
“Đó là Lương Chúc!”
“À đúng đúng, Lương Chúc.”
Đồ Tam bẻ đôi hạt dưa, chia cho ta một nửa, mặt mày nhăn nhó nói:
“Chưởng quầy, ngài bảo tại sao lại bắt ngài phải đi viếng mộ lúc nửa đêm? Thật là rợn người!”
Vị quý nhân kia quả thật rất hào phóng, tiền công đưa ra cũng hậu hĩnh, chỉ có điều yêu cầu thì quái gở vô cùng: bắt ta phải cùng hắn lên mộ lúc giữa đêm.
Ta dù làm sơn tặc đã nhiều năm, nhưng trong lòng vẫn kiêng kỵ chuyện đi đường lúc khuya, huống chi lại là giữa đêm khuya lên mộ.
Thế nhưng… sự cám dỗ của vàng bạc…
Ta gạt bỏ nỗi bất an, cố tỏ ra bình thản nói:
“Ta có làm chuyện gì thẹn với lòng đâu, sợ gì chứ.”
Lúc ấy, ta hoàn toàn không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Mãi đến tối hôm đó, xe ngựa của phủ Định Quốc Công chở ta đến một vùng ngoại ô hoang vu.
Dưới bầu trời tối đen như mực, trước mắt ta là một tấm bia mộ lớn sừng sững.
Trên bia, dòng chữ khắc rõ ràng: Mộ của ái thê Quỳ Nhi.
Chết tiệt!
Sao thê tử đã khuất của hắn lại trùng tên với ta chứ?!
6.
Ta vốn không tin vào cái gọi là trùng hợp.
Khi thấy cái tên này, phản ứng đầu tiên của ta là muốn quay lại nhìn vị quý nhân kia.
Chưa kịp quay đầu, hắn đã lên tiếng trước:
“Phu nhân ta tính hay ghen. Nếu cô nương nhìn ta, nàng ấy sẽ không vui.”
Nghe giọng nói, ta thực sự thở phào nhẹ nhõm.
Giọng khàn khàn, trầm thấp này tuyệt đối không phải của Tống Hành Chiêu.
Giọng hắn luôn ấm áp, trong trẻo, động lòng người.
Hơn nữa, dưới gầm trời này, người trùng tên cũng không phải ít. Có lẽ đây chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.
Ta tự trấn an bản thân, lấy giấy vàng từ trong giỏ ra.
Sau đó, ta bày hai cây nến đã thắp sáng trước bia mộ, định quỳ xuống thì hắn lại lên tiếng:
“Cô nương cứ ngồi mà khóc. Phu nhân ta xưa nay không thích mấy lễ nghi này.”
“…”
Ngồi khóc mộ? Đây là lần đầu tiên ta nghe thấy.
Nhưng người trả tiền có yêu cầu, ta đành làm theo.
Ta ngồi xuống.
Khi ta đốt giấy, hắn đứng ngay phía sau.
Ta không nhìn được mặt hắn, nhưng hương thơm nhè nhẹ của gỗ thông từ người hắn bị gió đêm đưa tới, thoảng qua mũi ta.
Quả thực rất dễ chịu.
Tống Hành Chiêu trên người cũng có một mùi hương thảo dược thoang thoảng, là do hắn mỗi ngày lên núi hái thuốc mà thấm vào.
Hương này ở người khác thì nồng hắc khó chịu, nhưng trên hắn lại mang một sự thanh nhã dễ chịu đến lạ.
Thấy hắn không nói gì, ta chủ động lên tiếng:
“Phu nhân của công tử hẳn là một người rất tốt đẹp?”
Hắn ngập ngừng một chút, không trả lời.
Ta lập tức thầm nghĩ trong lòng:
Đúng là đồ đàn ông tệ bạc!
Nói là tình sâu nghĩa nặng, cuối cùng cũng chỉ là một màn diễn mà thôi!
Lần trước, nhà mời Đồ Tam khóc tang, trưởng tử của họ còn chẳng biết phụ thân mình thích ăn món gì, mang nhầm cả lễ vật dâng tế.
Ta nén cơn khó chịu, định hỏi thêm.
Hắn đột nhiên nói:
“Ta… bị thương, nên không nhớ rõ nhiều lắm.”
“…”
Ta ngượng ngùng ho một tiếng, cố tình chuyển chủ đề:
“Công tử đã tình sâu nghĩa nặng như vậy, tại sao lại tìm đến ta để… khóc tang?”
Vừa nói xong ta đã hối hận.
Câu này chẳng phải tự phá chén cơm của mình sao?
May thay, quý nhân không để ý, chỉ khẽ cười, nói:
“Phu nhân ta thích những nam tử mạnh mẽ, uy phong, khí khái.
Khóc lóc thảm thiết sẽ khiến nàng không vui.”
“…”
Đúng là sợ vợ số một!
Gió ở nơi hoang dã thổi không chút kiêng dè, khiến ngọn lửa trên giấy vàng chập chờn.
Ta lùi lại một chút, lúng túng nói:
“Đêm nay gió hơi lớn. Hay công tử lên xe ngựa chờ ta?”
“Không cần. Nếu ta rời đi, nàng ấy cũng sẽ không vui.”
“…”
Trong lòng ta bắt đầu lẩm bẩm.
Thế mà gọi là không nhớ rõ? Ta thấy nhớ rõ lắm thì có!
Sau đó, ta cố tìm vài câu để phá tan bầu không khí ngượng ngập này.
Nhưng hắn lại là người rất ít nói.
Không giống Tống Hành Chiêu.
Hắn thường ngày lạnh lùng, nhưng trên giường lại là người rất nhiều lời âu yếm.
Nhiều khi khiến ta xấu hổ đến mức muốn chui vào chăn trốn đi.
Hắn thì cứ mặt không biến sắc mà tiếp tục trêu chọc ta, vừa nói vừa tiếp tục làm chuyện kia.
Nghĩ đến đây, mặt ta không khỏi đỏ bừng.
Đúng lúc này, người phía sau đột nhiên hỏi:
“Sao mặt cô nương đỏ vậy?”
Ta: “…”
Hỏi cái gì mà hỏi! Sao lúc này lại lắm lời thế!
“Bị lửa hơ đỏ.”
“Ồ.”
Hắn đáp một tiếng, rồi lại im lặng.
Một lát sau, hắn bất ngờ nói:
“Phu nhân ta, hơ lửa cũng không đỏ mặt.”
7.
Ta chưa từng viếng qua ngôi mộ nào khó như thế này.
Năm xưa viếng mộ cha ta, ta cũng chỉ nói một câu:
“Ngày sau ta nhất định dẫn huynh đệ làm người tốt!”
Vừa dứt lời, suýt nữa bị một tia sét đánh trúng.
Thế nhưng, ngôi mộ này còn nguy hiểm hơn mộ cha ta.
Chủ nhân nỗi đau cứ bám lấy ta, kể lể chuyện tình thâm nghĩa trọng với cố thê.
Ta không những phải phụ họa vài câu, mà còn phải cố gắng gượng rơi nước mắt.
Mãi đến khi trời gần sáng, ta mới xem như hoàn thành nhiệm vụ viếng mộ.
Thế mà chủ nhân lại bảo:
“Đêm mai ta sẽ phái người đến đón ngươi.”
Ta quay đầu lại, hắn đã lên xe ngựa rời đi trước.
Ta: “???”
Về đến tiệm, ta lập tức ngủ bù một giấc thật dài.
Trong mơ, ta thấy mình trở lại căn viện nơi Tống Hành Chiêu từng ở.
Ta nằm trên giường, còn hắn từ bên ngoài, vẻ phong trần mệt mỏi bước vào.
Hắn mắng ta:
“Đồ vô tâm, không phải đã nói sẽ chờ ta sao?”
Trong mơ, ta tất nhiên không tỏ vẻ gì tốt đẹp, vừa trách hắn về muộn, vừa bảo ta đã lừa hắn, mà hắn cũng lừa ta, cả hai xem như hòa.
Nhưng Tống Hành Chiêu không chịu.
Hắn cởi áo, chỉ vào dấu răng ta để lại trên xương quai xanh, hỏi:
“Vậy còn cái này? Tính thế nào?”
“…”
Hắn nghiêm giọng:
“Nàng lấy đi sự trong sạch của ta, rồi lại bỏ rơi ta. Thẩm Quỳ Nhi, ta có chỗ nào khiến nàng không hài lòng?”
Ta vừa khóc vừa cười.
Đúng vậy.
Ta thừa nhận.
Khi đó, quả thực là ta cưỡng ép Tống Hành Chiêu.
Nhưng hắn chẳng phải cũng nửa đẩy nửa kéo đó sao?
Nếu không, một nữ nhân yếu đuối như ta, làm sao có thể đè được hắn?
Huống hồ, khi ta và hắn ở bên nhau, quả thực rất hòa hợp chuyện đó nên được coi là đôi bên cùng có lợi.
Giờ thì hay rồi, hắn lại đổ hết trách nhiệm lên đầu ta.
Ta tức giận, đá hắn xuống giường:
“Đi đi! Chàng là quan, ta là tặc, nếu ta không chạy, chẳng lẽ chờ chàng đến bắt, rồi chặt đầu ta sao?”
“Thẩm Quỳ Nhi!”
Hắn đột nhiên thay đổi sắc mặt.
Hắn nằm trong vũng máu, khắp người đầy vết thương, nhưng ánh mắt vẫn dõi theo ta, không ngừng hỏi:
“Thật sự nàng không cần ta nữa sao?”
Ta giật mình tỉnh dậy từ cơn mơ.
Sống cạnh Tống Hành Chiêu hai năm, dù chỉ là ngủ, cũng ngủ ra tình cảm.
Nhưng từ khi hắn xuất chinh, ta chưa từng hỏi thăm tin tức về hắn.
Không rõ vì sao.
Rõ ràng là một Trấn Bắc Vương ổn định một phương, thế nhưng từ khi ta vào kinh, lại không nghe thấy tin tức nào về hắn nữa.
Trong lòng ta bồn chồn không yên.
Thế nên, ta chọn ngày này, đến Vĩnh An Tự thắp hương.
Hy vọng Phật tổ có thể giúp ta an lòng.
8.
Cha ta thường nói, làm sơn tặc như chúng ta, thật ra không cần phải tin vào thần Phật.
Dẫu sao, cầu người chẳng bằng cầu mình.
Ta cũng vốn không tin thần Phật.
Nhưng lần này, ta vẫn muốn cầu thử một lần.
Nếu thần Phật thực sự nghe thấy lời ta, mong rằng Người hãy để Tống Hành Chiêu còn sống.
Trong chùa không có mấy người, ta vào dâng hương, rồi đứng trước Phật tổ, thành tâm cầu nguyện một hồi lâu:
“Nguyện cho Trấn Bắc Vương sống lâu trăm tuổi, A Di Đà Phật.”
“Nguyện cho Trấn Bắc Vương con cháu đầy đàn, A Di Đà Phật.”
“Nguyện cho Trấn Bắc Vương mãi mãi không nhớ đến ta, A Di Đà Phật.”
Tro hương khẽ rung, rơi xuống lư hương.
Dường như Phật tổ đã nghe thấu tâm nguyện của ta.
Trong lòng vui mừng khôn xiết, lúc rời đi ta không chỉ bỏ một thỏi bạc vụn vào hòm công đức, mà còn tiện đường xin sư trụ trì một quẻ xăm.
Trước đây, ta và Tống Hành Chiêu cũng từng đi xin xăm.
Quẻ xăm khi đó viết: “Tử tự miên miên” (con cháu nối tiếp dài lâu).
Ta lập tức bẻ gãy quẻ xăm, bảo rằng không chuẩn.
Tống Hành Chiêu lại lắc xăm ba lần nữa, lần nào cũng là “Tử tự miên miên.”
Hắn còn cảm thán:
“Có vẻ đời này, nàng nhất định phải sinh cho ta đàn con cháu rồi.”
Khi ấy, ta suýt nữa để lộ bản tính, định bẻ gãy xương hắn.
Sinh con nối dõi?
Đúng là mơ giữa ban ngày!
Giờ quẻ xăm này không phải “Tử tự miên miên,” mà là “Tất bảo bình an” (được che chở bình an).
Trong lòng ta vừa mừng vừa lo.
Quẻ xăm thì tốt, nhưng không biết có chính xác không.
Đang lúc ta do dự, bỗng thoáng thấy một bóng dáng cao lớn bước lên chiếc xe ngựa trước cổng chùa.
Cái bóng lưng đó!
Ta vội lao lên, gọi lớn:
“Tống Hành Chiêu!”
Đồ Tam vốn đang chờ ta trước cổng chùa.
Thấy ta vừa mới bước ra đã như người mất trí, đuổi theo một chiếc xe ngựa, hắn liền lao đến ngăn lại:
“Chưởng quầy, người đó không phải hắn!”
Trong lòng ta hoảng loạn.
Chỉ tay về phía chiếc xe ngựa đang rời xa, ta quả quyết:
“Ta đã ngủ cạnh hắn hai năm, làm sao có thể nhận nhầm được!”
Đồ Tam mấp máy môi, do dự hồi lâu, cuối cùng mới lí nhí nói:
“Nhưng Trấn Bắc Vương… đã chết trận nửa năm trước rồi!”