Shopee Chạm để tắt
Skip to main content

4

 

Sau khi tìm được chỗ ở tại Nam Thị, tôi đã đi rất nhiều nơi.

 

Cơn mưa phùn Giang Nam, những con hẻm nhỏ mờ ảo, tất cả đều khiến tôi say mê.

 

Không ngờ rằng sáng ngày thứ ba, tôi đột nhiên nhận được điện thoại của Hứa Khuynh.

 

Anh ấy dường như vừa mới dậy, giọng khàn khàn hỏi tôi: “Lâm Miểu, cặp khuy mắng tay bằng hồng ngọc mà em mua cho anh trong buổi đấu giá năm ngoái để ở đâu?”

 

Tôi dừng lại một chút: “Trong ngăn kéo tủ quần áo ở gian thứ hai.”

 

Lại hỏi anh ấy: “Dịp gì vậy?”

 

Hứa Khuynh: “Lễ cắt băng khánh thành một trung tâm thương mại.”

Tôi: “Bộ vest phù hợp ở hàng thứ hai, bộ thứ tư.”

 

Hứa Khuynh hình như vẫn chưa tỉnh táo hẳn, đầu dây bên kia vang lên tiếng anh ấy lục tìm đồ, mơ hồ còn có tiếng anh ấy càu nhàu.

 

Tôi nghe một lúc, mở lời hỏi: “Tìm thấy chưa?”

 

Giọng nói bên kia im bặt, dường như cuối cùng cũng phản ứng lại.

 

“Tìm thấy rồi. Xin lỗi, không phải cố ý làm phiền em.”

 

Tôi “ừ” một tiếng, nói: “Em biết.”

 

Dặn dò anh ấy: “Anh bảo người giúp việc dọn dẹp lại phòng đi, sau này không tìm thấy đồ gì thì có thể hỏi họ. Về sau, đừng gọi điện làm phiền em nữa.”

 

Hứa Khuynh im lặng một lát, nói: “Được.”

 

Cúp điện thoại, tôi chặn số anh ấy, lại chìm vào giấc ngủ.

 

Nhưng giấc ngủ này, tôi không tài nào ngủ yên được.

 

Tôi mơ thấy rất nhiều giấc mơ kỳ lạ.

 

Có tiếng cười đùa của tôi và các bạn học trong sân trường năm mười bốn tuổi.

 

Có ngày nắng đẹp năm mười lăm tuổi tôi gặp Hứa Khuynh lần đầu tiên.

 

Có nỗi đau năm mười sáu tuổi khi tôi lén lút chạy đi chơi đua xe bị bố bắt về đánh gãy chân.

 

Còn có…

 

Tiếng chuông điện thoại chói tai lại vang lên.

 

Tôi bừng tỉnh khỏi giấc mơ, khó chịu mò lấy điện thoại trên đầu giường.

 

Là một số lạ.

 

Tôi nhấn nút nghe, đầu dây bên kia lịch sự hỏi: “Xin chào, cô là mẹ của Hứa Ngữ Thời phải không? Tôi là giáo viên của Ngữ Thời ở trường mẫu giáo, hôm nay trường tổ chức hoạt động trưng bày robot, Ngữ Thời cũng tham gia, nhưng con không mang sản phẩm đến, nói là cô đã chuẩn bị cho con. Cô xem, có tiện mang đến cho con không ạ?”

 

Giáo viên rất nhiệt tình với tôi.

 

Tôi siết chặt điện thoại, nhắm mắt lại, chỉ cảm thấy mệt mỏi khôn xiết.

 

Cách đây không lâu, tôi còn ngồi trong phòng khách, cúi đầu học theo từng khung hình trên video, làm bài tập thủ công cho Ngữ Thời.

 

Chỉ là hôm đó đi quá vội, robot vẫn còn đang dang dở.

 

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trời đã lên cao, nhẹ giọng trả lời cô giáo: “Xin lỗi cô, quyền giám hộ của Ngữ Thời không còn thuộc về tôi nữa, tôi cũng sẽ không quản con nữa. Còn nữa… Bây giờ con đang ở bên cạnh cô sao?”

 

“À”, cô giáo có chút lúng túng, “Có, có, Ngữ Thời đang ở bên cạnh tôi.”

 

Tôi thở dài: “Vậy cô có thể bật loa ngoài được không?”

“Được, được.”

 

“Cảm ơn cô.”

 

Đầu dây bên kia vang lên tiếng sột soạt của điện thoại, sau đó là một khoảng im lặng.

 

Tôi nghĩ, Ngữ Thời có thể nghe thấy.

 

Tôi nhẹ giọng nói: “Ngữ Thời, robot ở trong hộp đồ chơi trong phòng con. Con có thể gọi điện bảo bố mang đến cho con, hoặc nhờ bất kỳ ai khác mang đến cũng được, nhưng sau này, mẹ hy vọng con đừng gọi điện cho mẹ nữa, mẹ sẽ không nghe máy, cũng sẽ không làm đồ thủ công giúp con. Con biết đấy, mẹ không còn là mẹ của con nữa.”

 

Nói xong, tôi xin lỗi cô giáo lần nữa rồi cúp máy.

 

5

 

Nói những lời này với đứa trẻ do chính mình mang nặng đẻ đau, thật sự khiến người ta không khỏi đau lòng.

 

Tôi không còn nhớ rõ từ khi nào, Ngữ Thời càng ngày càng giống Hứa Khuynh.

 

Tôi và Hứa Khuynh đã được định sẵn hôn ước từ rất sớm.

 

Từ năm mười bốn tuổi, khi ông nội và bố tôi cùng các bậc trưởng bối nhà Hứa Khuynh cười híp mắt bước ra khỏi phòng làm việc, tôi đã bị nhà họ Hứa xem như con dâu tương lai mà nuôi dạy.

 

Hồi đi học, rất nhiều bạn học đều ghen tị với gia cảnh của tôi.

 

Tôi không phản bác, chỉ có thể cười khổ.

 

Cuộc sống của tôi sung túc, nhưng lại không có tự do.

 

Năm thi cấp hai, tôi thi không tốt.

 

Nửa đêm, mẹ tôi càng nghĩ càng tức, cho rằng tôi làm bà mất mặt, xông vào phòng tôi, tát tôi một cái.

 

Năm cấp ba, tôi nổi loạn yêu sớm, bố tôi bổ sung thêm một cái tát nữa.

 

Cảnh cáo tôi nếu không muốn gả vào nhà họ Hứa, vậy thì chỉ có thể gả cho những doanh nhân lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi.

 

Tôi gặp Hứa Khuynh lần đầu tiên là vào năm mười lăm tuổi.

 

Dưới sự sắp xếp của hai gia đình.

 

Hứa Khuynh lúc đó khác với bây giờ, là một thiếu niên hay cười, bộc lộ cảm xúc rõ ràng.

 

Ấn tượng của tôi về anh ấy không sâu đậm.

 

Chỉ nhớ áo sơ mi trắng dưới bầu trời xanh, và một đôi mắt đầy cảm xúc.

 

Sau đó, tôi nghe nói anh ấy vì mối tình đầu mà chiến tranh lạnh với gia đình.

 

Tôi vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị.

 

Ít ra, anh ấy dám phản kháng, có quyền phản kháng.

 

Nhưng không lâu sau, mẹ Hứa Khuynh đến nhà tôi chơi.

 

Trên mặt bà là nụ cười vừa đúng mực vừa mang theo áy náy, nắm tay mẹ tôi nói: “Thông gia yên tâm, chuyện của Hứa Khuynh đã được giải quyết rồi.”

 

Tôi trốn ở cửa nghe lén, trong lòng rất thất vọng.

 

Nghĩ, quả nhiên là vậy.

 

Sau đó, gia đình tôi bắt đầu liên tục sắp xếp cho tôi gặp mặt Hứa Khuynh.

 

Ban đầu anh ấy còn khá phản kháng, không hề có sắc mặt tốt với tôi.

 

Về sau, cũng dần dần chấp nhận, thỉnh thoảng cũng nói chuyện với tôi vài câu.

 

Tôi cũng nhìn anh ấy từ một thiếu niên gai góc dần trở nên trầm mặc ít nói, che giấu tất cả cảm xúc.

 

Còn hương hoa dành dành đặc biệt trên người anh ấy, cũng theo thời gian mà tan biến trong không khí.