20.
Cái giá của việc “bung xõa” chính là tôi và Dư Vi bị gọi vào văn phòng giáo viên.
Giáo viên chủ nhiệm trông rất khó xử: “Thầy không theo kịp suy nghĩ của mấy đứa trẻ bây giờ, thầy cũng không phải người cổ hủ gì, nhưng dù sao các em vẫn còn nhỏ, nên lấy việc học làm trọng, một số chuyện đợi đến khi trưởng thành rồi tính cũng không muộn.”
Tôi muốn khóc mà không có nước mắt: “Thầy hiểu lầm rồi ạ, em chỉ muốn giúp bạn ấy thôi, thầy cũng biết dạo này mọi người có chút hiểu lầm với Dư Vi mà.”
Không ngờ lại gây ra hiểu lầm lớn hơn.
Thầy gật đầu: “Ồ, vậy à, giúp đỡ người khác là phẩm chất tốt, các em đều là những đứa trẻ ngoan.”
Tôi cảm thấy thầy vẫn không tin.
Thầy nói sẽ liên hệ với phụ huynh.
Nhà Dư Vi không ai nghe máy.
Ba tôi tới.
“Thầy ơi, con bé nhà tôi gây phiền phức cho thầy rồi, tôi thay nó xin lỗi, mong thầy đừng trách nó.”
Thầy: ……
Trường không truy cứu, chỉ bảo ba tôi quan tâm hơn đến chuyện tình cảm của tôi.
Ba tôi hỏi tôi: “Chuyện con bắt cá ba tay bị phát hiện rồi à?”
“……”
Buổi tối, nhóm “Tứ Ái” hiện lên tin nhắn.
Dư Vi @ Thời Tự: “Nhà cậu an toàn chứ?”
Dư Vi @ Thời Tự: “Có người gõ cửa, mình sợ quá.”
Dư Vi @ Thời Tự: “Không phải biến thái đấy chứ?”
Dư Vi @ Thời Tự: “Cậu nói gì đi chứ!”
Tôi: “Đừng mở cửa, báo cảnh sát trước đã.”
Lâm Tự Nhiên: “Là tớ, mở cửa đi.”
Dư Vi: “Trời tối rồi cậu làm gì đấy?”
Lâm Tự Nhiên: “Hôm nay làm ít một đề, ba tớ định đánh tớ, nên tớ chạy ra ngoài rồi.”
Tôi: “Tuyệt vời.”
Lâm Tự Nhiên: “Sống mười bảy năm nay mới ngộ ra là bị đánh có thể chạy trốn được, mà ba tớ đuổi không kịp.”
Dư Vi: “6.”
Sáng hôm sau, Thời Tự mới nhắn lại: “Vãi, hôm qua ngủ mất, không chú ý.”
21.
Thi cuối kỳ, Lâm Tự Nhiên tiến bộ 6 điểm.
Trên 700 điểm, tăng được 1 điểm đã là hiếm rồi.
Huống hồ thời gian này cậu ấy cũng không làm nhiều đề, có thời gian nghỉ ngơi.
Vở ghi chép của tôi có công lớn.
Tôi vỗ vai cậu ấy, tự hào nói: “Nghe chị nói một câu, còn hơn làm mười đề.”
Thế mà cậu ấy lại không vui lắm: “Tại sao cậu lại bỏ thi?”
“Tớ bỏ thi rồi, cậu chính là người đứng đầu, không vui sao?”
“Hứa Tuế An, tôi không cần cậu làm thế. Tôi lấy cậu làm mục tiêu, nhưng càng muốn dựa vào năng lực của mình, cậu không cần phải nhường tôi.”
Tôi nghiêm mặt, phản công: “Chẳng lẽ trong lòng cậu, tôi là kiểu người không tôn trọng đối thủ à?”
Khí thế cậu ấy yếu đi vài phần: “Tất… tất nhiên không phải.”
Sau đó cậu ấy như nghĩ ra gì đó, bắt đầu lẩm bẩm.
“Cậu có phải nghĩ sắp Tết rồi, sợ tôi ở nhà không vui, ba mẹ sẽ làm khó tôi, còn mắng tôi trước mặt họ hàng…”
“Nên cậu muốn cải thiện hoàn cảnh của tớ, tớ…”
Tôi vội vàng ngắt lời: “Thôi đủ rồi ông ơi, cậu cảm động cái gì ở đây vậy?”
“Hai ngày đó tớ bận thật mà.”
“Hả?”
“Hả cái gì mà hả, đã nói là hôm đó tớ có việc rồi, nghĩ nhiều thế.”
“Có việc gì vậy?”
“Dì hai của tớ sinh em bé.”
“Ồ… hả?”
22.
Đêm giao thừa, Thời Tự gửi lì xì trong nhóm.
Một cái hai trăm, gửi sáu cái.
Tôi không cẩn thận giật hết.
Tôi: “Mấy cậu làm gì đấy? Thế này làm tớ thấy ngại thật đấy, mau giật lì xì đi.”
Lâm Tự Nhiên: “Cười mỉm.”
Dư Vi: “Toàn là lì xì định danh, sao mà giật?”
Hơi xấu hổ.
Tôi gửi một phong lì xì chia theo vận may, tổng cộng 400.
Dư Vi giật được 288, Thời Tự giật được 99, Lâm Tự Nhiên giật được 13.
Lâm Tự Nhiên: “Cười mỉm.”
Tôi: “Tớ biết cậu thích biểu cảm cười mỉm, nhưng trong WeChat nó mang cảm giác mỉa mai đấy.”
Lâm Tự Nhiên: “Tớ chính là có ý đó.”
Tôi: “Cười mỉm.”
Thời Tự: “Tớ không giới hạn nữa, mỗi lần 200, nhưng mỗi lần chỉ có một phong bao, ai giật được thì là của người đó.”
Dư Vi: “Cậu không thể gửi vài cái chia vận may à, như thế ai giật được nhiều sẽ có cảm giác thành công.”
Thời Tự: “Không muốn, khỏi đi.”
Tôi @ Dư Vi: “Cậu nói chuyện với thiếu gia kiểu gì đấy?”
Lâm Tự Nhiên: “Thiếu gia, xin tiếp tục.”
Tôi mới phát hiện, không biết từ khi nào Dư Vi đã đổi ảnh đại diện.
“Nghe lời mẹ, mau ăn cơm nào.”
“Đến liền mẹ, con vừa phát tài lớn một phen!”
23.
Học kỳ mới, Dư Vi chuyển sang lớp 4.
Cô ấy nhìn Thời Tự với ánh mắt ghét bỏ: “Nhóc học kém, từ hôm nay, chúng ta không cùng đẳng cấp nữa.”
Tôi cũng chuẩn bị một bản ghi chép cho Dư Vi.
Thành tích của cô ấy còn nhiều tiềm năng, vào lớp 2 là chuyện sớm muộn.
Thời Tự không vui: “Sao tớ không có?”
“Cậu thuê gia sư học lại từ đầu đi.”
“Học xong có vở ghi chép à?”
Học tốt rồi còn cần ghi chép làm gì?
“…Có.”
Thế mà cậu ta thật sự thuê gia sư về.
Ngày nào tan học cũng học ở căn cứ bí mật.
Dư Vi cũng có thể nghe ké.
Thời Tự hừ nhẹ: “Cho cậu tiện thể chiếm lợi đấy, biết trân trọng đi.”
Dư Vi cười khẩy: “Đã lên lớp 4 rồi, không muốn nói chuyện với người lớp 7 nữa.”
Tôi nghỉ học hai ngày, giáo viên cũng không hỏi.
Lâm Tự Nhiên hỏi: “Cậu làm gì thế?”
“Trốn học.”
“Người ta trốn tính tiết, cậu trốn tính ngày, nổi loạn rồi à?”
“Cậu còn quản tớ à? Đừng quên lần trước tớ vẫn đứng nhất đấy.”
“…”
“Tháng sau tớ đi du lịch, chắc mấy ngày không về, cậu nói với Dư Vi bọn họ một tiếng.”
Cậu ấy ngạc nhiên: “Không phải… ba mẹ cậu không quản à?”
Tôi trợn mắt: “Cậu nghĩ tôi đi một mình chắc? Mẹ tôi dẫn tôi đi.”
“Má mình cũng tốt thật.”
“Lâm Tự Nhiên cậu thay đổi rồi, càng ngày càng không biết xấu hổ.”
“Học của Thời Tự đấy.” – Cậu ấy giơ tay giật lọ kẹo của tôi.
Tôi giật lại: “Không hỏi mà lấy, cẩn thận rách mép.”
“Ồ, vậy tớ ăn được không?”
“Không được.”
“…”
Khi tôi quay lại, Thời Tự gặp chuyện.
Tại căn cứ bí mật.
“Không phải chứ, tôi chỉ lơ là một chút thôi mà!”
“Nhà này không có tôi là lại loạn!”
Tôi suýt quên mất, Thời Tự là đại ca trường.
Lúc ở bên chúng tôi quá giống chó Husky, nhưng bản chất lại là chó Ngao Tây Tạng.
Cái danh hiệu “đại ca trường” này là vì hồi lên lớp 10 hắn đánh nhau.
Đánh người đến mức nhập viện.
Lần này lại đánh người.
Vẫn là người đó.
Bị đình chỉ một tuần.
Tôi loạng choạng.
Dư Vi đỡ lấy tôi: “Không sao chứ?”
Tôi xua tay: “Bị tức quá nên hơi choáng.”
Thời Tự ôm một con gấu bông, co lại trên ghế sofa.
“Tại sao lại đánh người?”
“Không thể trách tớ được, là tại cậu ta đáng bị đánh.”
“Tôi hỏi là tại sao cơ mà?”
“Thì tại cậu ta đáng bị đánh mà!”
“…”
Lâm Tự Nhiên bưng thức ăn lên, tháo tạp dề.
“Đừng giận nữa, ăn cơm đi.”
Tôi lườm hắn một cái: “Không chịu nói đúng không, vậy thì khỏi ăn luôn.”
“Không ăn thì không ăn.”
Hừ, còn dám cãi nhau với tôi nữa.
Tối về đến nhà, tôi phát hiện mình bị kéo vào một nhóm chat.
Ba người.
Lâm Tự Nhiên: “Tớ nhờ người điều tra được đấy.”
Cậu ấy gửi một tập tài liệu.
Dư Vi: “Cậu cũng có trợ lý à?”
Lâm Tự Nhiên: “Không, chú hai tớ là luật sư.”
Tôi mở ra xem.
Người bị đánh không phải học sinh trường tôi, nhưng hai người đó đánh nhau trong khuôn viên trường.
Xem ra là người kia chủ động khiêu khích Thời Tự trước.
Học sinh đó tên là Trần Thiên Minh.
…
Em trai cùng cha khác mẹ của Thời Tự.
Máu chó thật đấy.
Là con riêng của nhà họ Thời, nhưng cũng không hẳn là con riêng.
Chuyện này xảy ra từ rất lâu rồi, lâu đến mức khi đó Thời Tự còn chưa ra đời.
Kinh tế biến động, hai công ty nhà họ Thời và họ Tạ đều bị ảnh hưởng.
Để tồn tại, hai bên chọn cách sáp nhập.
Phương án đáng tin cậy nhất chính là liên hôn.
Nhà họ Thời và họ Tạ mỗi bên chỉ có một đứa con, chính là ba mẹ Thời Tự.
Mà lúc đó, ba Thời Tự vừa mới cầu hôn bạn gái, mẹ Tạ cũng có bạn trai thanh mai trúc mã.
Liên hôn cần có sự ràng buộc, nếu không hai bên đều không yên tâm.
Thế là họ kết hôn và dùng phương pháp thụ tinh ống nghiệm sinh ra Thời Tự.
Trước cả khi ra đời, Thời Tự đã được định sẵn là người thừa kế 70% tài sản nhà họ Thời.
Hắn được ông nội nuôi lớn.
Bởi vì ba mẹ hắn ở bên ngoài đều đã lập gia đình khác, cũng đã có con riêng.
Hai bên đều đồng ý chỉ xem cuộc hôn nhân này như một mối hợp tác.
Ba mẹ Thời Tự không phải loại người lăng nhăng, họ rất nghiêm túc với tình cảm của mình.
Dù không có tờ giấy đăng ký kết hôn, nhưng mỗi gia đình đều rất hạnh phúc.
Gặp nhau còn có thể chào hỏi bình thường.
Chỉ là… họ không yêu Thời Tự.
Họ không ngược đãi hắn, vì cơ bản là hiếm khi gặp.
Muốn trốn tránh.
Họ không muốn thừa nhận mình từng sinh ra đứa trẻ này.
Không muốn thừa nhận mình vô trách nhiệm.
Càng không muốn thừa nhận đứa con này là kẻ “dư thừa” bên ngoài gia đình.
Ngay đầu năm lớp 10, ông nội Thời Tự qua đời.
Có lẽ vì ông thực sự không yên tâm với hai người lớn vô trách nhiệm kia nên đã đồng ý để họ ly hôn.
Hiện tại, người giám hộ hợp pháp của Thời Tự là quản gia nhà họ Thời.
Một tháng sau lễ tang, Trần Thiên Minh đến trường tìm Thời Tự.
Không rõ hai người đã nói gì với nhau mà lại lao vào đánh nhau.
Thời Tự khỏe mạnh vạm vỡ, Trần Thiên Minh chỉ có nước chịu đòn.
Thằng đó còn không biết chừa, biết không đánh lại mà vẫn dám tới khiêu khích lần nữa.
Tôi lại mở hồ sơ của Trần Thiên Minh.
Cũng chẳng phải người tốt đẹp gì.
Hay đánh nhau.
Chỉ là khi gặp Thời Tự thì thành kẻ bị đánh.
Khi ông nội còn sống, ba mẹ Thời Tự đã ký một bản cam kết.
70% tài sản nhà họ Thời sẽ để lại cho Thời Tự.
Nếu Thời Tự gặp bất trắc, toàn bộ tài sản sẽ được quyên góp vô điều kiện.
Chỉ cần Thời Tự còn sống, họ sẽ được chia hoa hồng mỗi năm.
Dù đều là con ruột của ba Thời Tự, Trần Thiên Minh cũng chỉ có thể mang họ mẹ.
Nhà họ Thời vĩnh viễn chỉ có một đứa con – chính là Thời Tự.
Có lẽ ba Thời Tự cảm thấy có lỗi với Trần Thiên Minh, nên chiều chuộng đến vô lý, muốn sao được sao.
Chúng tôi đi kiểm tra camera.
Hai người gặp nhau sau khu giảng đường, lúc đó Thời Tự chắc vừa đi siêu thị về.
Vừa nhìn thấy Trần Thiên Minh, hắn liền nổi giận: “Cậu lại tới làm gì?”
Trần Thiên Minh: “Nghỉ đông ba đưa tôi đi trượt tuyết đấy, cậu không biết chứ gì?”
Trong tay còn cầm gì đó, trông như ảnh.
“Đừng tưởng ông nội để lại hết cho cậu là ghê gớm, ba mãi mãi chỉ là của mình tôi thôi.”
“Cậu sau này cũng đừng nhắn tin cho ông ấy nữa, ông ấy có hứa năm nay sẽ ở bên cậu mừng sinh nhật à?”
Trần Thiên Minh cười lớn: “Tin nhắn đó là tôi trả lời đấy, lừa cậu cho vui thôi!”
Lúc đầu Thời Tự còn cố nhẫn nhịn, nhưng đến câu cuối thì lao thẳng vào.
May mà lúc đó đông người đi siêu thị, nhanh chóng kéo hai người ra.
Trần Thiên Minh đúng là thần kinh, toàn nói mấy câu đâm vào tim người ta.
Khi sử dụng trang web này, bạn đồng ý với việc sử dụng cookie như được mô tả trong Chính sách bảo mật của chúng tôi.